Phía sau “linh hồn” nhà sàn xứ núi

14:28 | 17/04/2018
Trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, ngôi nhà sàn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó không đơn thuần là nơi che chở nắng mưa, mà còn hiện hữu như một không gian lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần. Những ngôi nhà giản dị với sàn lát ván, mái lợp ngói âm dương đã trở thành nét đặc trưng chỉ có ở dân cư nơi đây. Thế nhưng, có một điều ít ai biết rằng, làm nên ngói âm dương - loại vật liệu quan trọng cấu thành hồn cốt nhà sàn hiện giờ chỉ còn có duy nhất ở vùng Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn).
phia sau linh hon nha san xu nui Đi chơi Tết Tây Bắc, hãy thử tắm khoáng nóng trong nhà gỗ
phia sau linh hon nha san xu nui Đừng bỏ qua chợ truyền thống

Tinh túy chắt lọc từ đất và nước

Trong một chuyến công tác dài ngày trên vùng cao, chúng tôi được các cao niên ở vùng Lùng Thúm (Lạng Sơn) chia sẻ rằng, nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng nơi đây phần lớn là nhà hai mái, sàn lát ván. Nhà sàn cổ nơi đây thường có hai loại, căn cứ theo số cột là loại 42 cột, 6 gian và loại 36 cột, 5 gian.

Số cột và số gian khác nhau nhưng có một điểm chung là việc dựng một ngôi nhà sàn đều cần rất nhiều công phu. Để chuẩn bị đủ nguyên liệu: Cột, ván, ngói… người ta phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm. Và trong 3 loại nguyên vật liệu quan trọng đó, ngói âm dương là không thể thiếu.

phia sau linh hon nha san xu nui
Ở khu vực Lạng Sơn, ngôi nhà sàn có một vị trí đặc biệt quan trọng và ngói âm dương là vật liệu làm nên hồn cốt của nhà sàn

Cũng thực kỳ lạ, trên dải đất hình chữ S, ở khắp nơi đều có đất nhưng không phải loại nào cũng có thể tạo nên những viên ngói âm dương đỏ quánh. May mắn thay, vùng Quỳnh Sơn của huyện Bắc Sơn lại có cái “duyên” của đất. Cái duyên ấy giúp tạo nên những viên ngói bền bỉ đến mức, hễ phủ chúng lên nhà sàn là sức bền, độ chống chịu mài mòn mưa nắng của nhà sẽ tới ngưỡng hàng trăm năm tuổi.

“Chỉ có đất ở đây mới có thể làm nên những viên ngói chất lượng. Bởi, đất này là đất thịt, không pha tạp, không lẫn cát. Để thử độ tốt của thứ nguyên liệu trời cho này, người thợ chỉ cần đem nhào với nước rồi ủ nửa tháng. Sau quãng đó, nếu nó quánh dẻo, mịn màng như đất sét, cầm lên tay thấy mát lạnh, nặng… thì đó là đất tốt để làm ngói. Khắp miền Bắc, chẳng có vùng nào đất tốt, chất lượng như Quỳnh Sơn” – Một cao niên quả quyết.

Quả thực, có tìm đến Quỳnh Sơn mới phần nào thấy được sức sống nhộn nhịp của làng nghề. Dọc hai bên đường, cách chân đèo Tam Canh chưa đầy 50m là san sát, đủ những lán trại to nhỏ. Bên trong những lều lán ấy là từng hàng ngói thô mộc, chúng được xếp cạnh nhau, cao ngang ngực người lớn. Nghe bảo, số ngói ấy đã qua khâu đoạn sơ chế cơ bản để chuẩn bị sẵn sàng vào lò nung.

Trò chuyện với cánh thợ ở thôn Tân Sơn thì được biết, ngói nơi đây dù được gọi chung với cái tên ngói âm dương nhưng kỳ thực chúng có 2 loại, đó là ngói máng và ngói bò. Trong đó, ngói máng để lợp còn ngói bò để úp nóc nhà. Ngói ở đây mịn màng vì được lấy lên từ những khu ruộng ngập úng, quanh năm lầy ngâm trong nước. Nhưng một điều quan trọng khác, để có sản phẩm đẹp, chất lượng ngói tốt, bền, đáp ứng thị hiếu của khách hàng thì phần nhiều phải do tay nghề của thợ. Nói cách khác, thợ ngói nơi đây luôn có “bí quyết” khiến sản phẩm làm ra có nét riêng biệt, độc đáo.

Không ai nhớ nghề làm ngói có từ bao giờ nhưng có một điều chắc chắn là, những viên ngói kết tinh trên đất Quỳnh Sơn đã có mặt ở hầu khắp các bản làng người Tày trên dải đất này. Và càng đặc biệt hơn khi qua biết bao thăng trầm, trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại vật liệu xây dựng mới như pro xi măng, tôn lợp… nhưng đến nay nghề làm ngói vẫn phát triển.

Nỗ lực giữ nghề

Trong câu chuyện thân mật với những người làm nghề nơi đây, tôi được biết rằng, hiện xã Quỳnh Sơn có cả thảy khoảng 30 hộ dân còn giữ nghề làm ngói. Cần phải khẳng định, nghề làm ngói khá nhọc nhằn, gian nan, qua nhiều công đoạn, nhưng thu nhập kinh tế thì thật sự chỉ dừng ở mức… khiêm tốn. Một thợ ngói kể: “việc làm ngói, nếu nhìn bề ngoài tưởng chừng sẽ đơn giản nhưng kỳ thực nó đòi hỏi người thợ không chỉ riêng sức khỏe bền bỉ mà còn cần tình yêu với đất. Bởi đất thịt sau khi ngâm, ủ sẽ được chuyển, nhào thành cối đất lớn. Phải luôn tỉ mẩn, cẩn thận từ khâu làm đất, ủ đất đúng, đủ thời gian… bởi, nếu ủ đất không kỹ thì ngói dễ bị “sống” khi nung trong lò”.

phia sau linh hon nha san xu nui
Những viên ngói sau khi trải qua quá trình nhào, nặn thành phẩm sẽ được xếp lại và chuyển vào lò nung.

Tay thoăn thoắt dỡ ngói ra khỏi khuôn gỗ, thợ ngói tên Toàn cho biết, mỗi lò ngói đều có những bí quyết nghề riêng. Nhưng tựu chung, các khâu đoạn cơ bản như ngâm đất, nhào đất đều giống nhau. Theo anh Toàn, sau khi đất thành phẩm được ngâm, ủ thì người thợ sẽ dùng kéo sắc xén đất thành từng lát, đem đặt xuống chân nhào kỹ cho đến khi quánh lại, thành viên. Sau đó, viên đất này sẽ tiếp tục được kéo giãn rồi cắt ra từng miếng nhỏ. Miếng đất này sẽ tiếp tục được đặt vào khuôn gỗ rồi mới đem ra phơi.

Theo quan sát của người viết, sau khi phơi ngói, với kỹ thuật khéo léo của mình, người thợ có thể dễ dàng tách khuôn ra làm 2 phần. Dĩ nhiên, miếng đất trong khuôn cũng được chia làm hai mảnh. Để cho chúng cong hình viên ngói, người ta lại đem chúng đặt lên những bệ đỡ hình bán nguyệt. Sau chừng một tuần, ngói mới được đem vào lò nung. Ngói được nung 7 ngày 7 đêm thì hạ lửa, lò đốt nguội dần, những viên ngói âm dương từ đây sẽ khoác lên mình màu óng ả đỏ rực.

Công phu, vất vả là vậy nhưng nếu tính toán chi li, trừ chi phí các khoản, tính ra tiền công thì thu nhập mỗi người thợ ngói khá thấp. Họ thường chỉ được 60.000đồng/ngày/công, trung bình mỗi người thu nhập gần 2 triệu đồng/người/tháng. Cũng dễ hiểu vì sao, trước sự biến động của thị trường, không ít gia đình ở Quỳnh Sơn đã không thể tiếp tục bám trụ với nghề, họ đành dằn mình bỏ nghề ngói cổ truyền.

Có một điều đáng quý là, ở làng ngói hiện vẫn có không ít người trẻ đang âm thầm níu nghề. Anh Dương Doãn Thạch, thôn Tân Sơn là một ví dụ. Nghe kể, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Dương Doãn Thạch đã say mê với cái nghề chắt chiu, nhào nặn tinh túy của đất. Hằng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, Thạch đều phụ giúp gia đình làm ngói. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần vì muốn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của gia đình nên cậu học trò Dương Doãn Thạch đã quyết định gắn bó với nghề làm ngói.

Nói sâu hơn về bí quyết làm ngói, ông Hoàng Công Hồng (80 tuổi) bộc bạch: “Mỗi lò đều có bí quyết nghề riêng nhằm tạo độ bền và màu sắc cho ngói. Xưa, để tạo màu đẹp cho ngói, ngói đều được nung bằng củi chắc. Tuy nhiên, nguồn củi giờ khan hiếm nên chúng tôi đang thử nghiệm đốt lò bằng than. Thời gian và nhiệt độ nung trong lò cũng hết sức quan trọng. Mỗi lò chỉ nên nung chừng một vạn viên, cỡ đủ lợp ngôi nhà ba gian trung bình. Nung như vậy, lửa mới đều và ngấm…”

Theo lời ông Hồng, hiện nay, giá thị trường của mỗi viên ngói là 1.500 – 2.000 đồng/viên, trừ chi phí mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 70 triệu đồng. Sản phẩm của gia đình ông Hồng luôn đảm bảo chất lượng nên ngói làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Thị trường phát triển lò ngói của gia đình ông không chỉ ở trong xã, huyện mà còn cung cấp cho cả các vùng lân cận như Văn Quan, Bình Gia, Thái Nguyên, Bắc Kạn…

Trước khi giã từ làng làm ngói, tôi hỏi sâu hơn những người thợ nơi đây về cái tên gọi “ngói âm dương”. Thì ra, cái nghĩa âm dương của làng ngói cũng hết sức giản đơn. Họ bảo, cái tên này xuất phát từ cách thức lợp ngói, cứ một hàng ngói xấp thì lợp một hàng ngửa. Hình thức lợp chồng nhau như thế tạo thành rãnh mái liền giúp thoát nước. Những viên ngói xấp được ngầm coi là ngói dương và viên ngửa là ngói âm. Và quan trọng hơn là, cho đến giờ trên vùng đất này, lợp nhà bằng ngói âm dương vẫn được coi là nét văn hóa truyền thống làm nên hồn cốt của những ngôi nhà sàn.

Đ.Luyện – N.Vĩnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này