Tỷ lệ trẻ em được phòng bệnh sởi vẫn thấp

09:31 | 17/04/2018
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai thấp. Đặc biệt, có một tỷ lệ lớn trẻ em dưới 9 tháng tuổi sinh ra là từ các bà mẹ này không có miễn dịch từ mẹ truyền sang con, không đủ bảo vệ trẻ em phòng bệnh sởi.
tin nhap 20180417083122 Bộ Y tế đưa một số vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng
tin nhap 20180417083122 Lo ngại dịch sởi có thể bùng phát trong năm 2018

Trước đó, Bộ Y tế thực hiện một cuộc nghiên cứu tồn lưu miễn dịch với virus sởi ở trẻ 2 – 9 tháng tuổi tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cho thấy, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi này có kháng thể sởi (kháng thể Igg) đủ bảo vệ chỉ đạt 13,1%. Tỷ lệ trẻ không được bảo vệ phòng bệnh sởi chiếm 86,9%. Tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi (35,1%), tiếp đến là ở nhóm 3 – 5 tháng tuổi (21.3%), còn thấp nhất là ở nhóm 6 - 9 tháng tuổi không còn kháng thể bảo vệ.

tin nhap 20180417083122
Tăng cường tiêm phòng bệnh sởi – rubella để bảo vệ cho cả mẹ và con.

Với nhóm trẻ có mẹ đã từng bị mắc sởi có tỷ lệ bảo vệ 22,8%, cao gấp 2,5 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin căn bệnh này. Nhóm trẻ có mẹ chưa từng mắc sởi, nhưng đã từng tiêm vắc xin sở có tỷ lệ bảo vệ 11.5% cao gấp 1,1 lần so với nhóm có mẹ từng mắc sởi mà chưa từng tiêm vắc xin. Trước thực tế này, Bộ Y tế cho biết tới đây, sẽ tiến hành tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng tuổi theo lịch tiêm chủng như hiện nay để tăng cường miễn dịch.

Bắt đầu từ 4/2018, Bộ Y tế đã đưa vắc xin MRVAC sởi – rubella do Polyvac của Việt Nam sản xuất vào sử dụng trên quy mô toàn quốc, cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CCTCMR). Trước đó, loại vắc xin này được đánh giá an toàn và sinh miễn dịch cho trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), từ tháng 6 và 7 /2017.

Theo đó, vắc xin MRVAC đạt yêu cầu an toàn trên trẻ 6 – 8 tháng tuổi. Không ghi nhận bất cứ trường hợp biến cố nghiêm trọng nào về sức khỏe ở nhóm trẻ này trong thời gian nghiên cứu. Các phản ứng tiêm chủng thông thường đều ở mức độ nhẹ và vừa trong tỷ lệ cho phép. Đặc biệt, vắc xin này đạt yêu cầu tính sinh miễn dịch trên trẻ 6 – 8 tháng tuổi. Theo đó, tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng sởi trước tiêm ở mức rất thấp (7,6%), sau tiêm vắc này này tỷ lệ tăng rõ rệt (88,3%).

Trong tháng 2/2018. Vắc xin MRVAC được đưa vào sử dụng trong CCTCMR, bước đầu được triển khai tại 4 tỉnh: Nam Định, Khánh Hòa, Đắc Nông và Bà Rịa Vũng Tàu. Từ đầu tháng 4/2018, vắc xin MRVAC sởi – rubella do Việt Nam sản xuất sẽ được triển khai trong CCTCMR thường xuyên trên toàn quốc.

Đến nay, đã có 19 tỉnh/thành phố triển khai tiêm cho trên 50.000 trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào. Đặc biệt, việc thay thế vắc xin do Việt Nam sản xuất, sẽ giúp CCTCMR chủ động với nguồn cung ứng vắc xin. Đảm bảo không thiếu vắc xin sởi – rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng và tiêm chủng chống dịch.

Trước thực tế miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở trẻ em và phụ nữ mang thai còn thấp, dịch sởi vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella. Bởi vì tiêm chủng là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho thai phụ cũng như tránh dị tật và tăng sức đề kháng, miễn dịch cho con.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này