Một ngày ở “chiến hạm” không bao giờ chìm

15:50 | 12/04/2018
Tròn 3 tháng kể từ ngày chúng tôi cùng đoàn công tác Vùng 3 Hải quân bắt đầu chuyến hải trình ra thăm, chúc Tết cán bộ chiến sỹ và bà con đang sinh sống và làm việc tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Từ đó đến nay, những kỷ niệm, những tình cảm về những người lính nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc vẫn luôn khắc sâu trong trái tim chúng tôi.
mot ngay o chien ham khong bao gio chim Xuân ấm áp nơi đảo tiền tiêu
mot ngay o chien ham khong bao gio chim Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng quà cảnh sát biển và kiểm ngư

Vững vàng tay súng nơi đảo xa

Trong chuyến hành trình ý nghĩa này, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương trong cả nước do Đại Tá Lê Thanh Vân – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân dẫn đầu đã ra thăm, chúc năm mới quân và dân hai đảo, đồng thời kết hợp kiểm tra, tuần tiễu trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

mot ngay o chien ham khong bao gio chim
Đại tá Lê Thanh Vân (ngoài cùng bên phải) kiểm tra quá trình thực hiện nhiệm vụ của chiến sĩ Trạm Rada 540, Vùng 3 Hải quân.

Sau hơn 12 giờ lênh đênh trên biển với chặng đường dài 90 hải lý (tương đương gần 170km) đầy cam go, sóng to, gió lớn, đoàn đã tới được đảo Cồn Cỏ. Trong làn sương mờ buổi sớm, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên cột cờ chủ quyền của Tổ quốc ở đảo dần hiện ra rõ nét.

Khi tàu cập cảng, những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm, những gương mặt rạng rỡ của quân, dân trên đảo giúp chúng tôi thấy được tình cảm và hiểu phần nào lời câu nói “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Cồn Cỏ là một đảo nhỏ, rộng chỉ 2,3km², nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Trị.

mot ngay o chien ham khong bao gio chim
Lá cờ đỏ sao vào tung bay trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Có thể nói với vị trí đặc biệt là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ - Cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biển đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Đảo Cồn Cỏ là khu vực có địa hình cảnh quan đẹp, hệ sinh vật rừng và biển đa dạng, đây là những lợi thế không nhỏ để hình thành các sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái rừng và biển... những loại hình du lịch đang thu hút được đông đảo du khách.

Sẽ thật thiếu sót khi nói về Cồn Cỏ những năm tháng máu và hoa lại không nhắc tới đội hùng binh đêm đêm chọc thủng vòng vây tàu giặc tiếp tế cho Cồn Cỏ. “Còn đất liền còn đảo” đó là lời nguyện thề trả bằng máu của đội quân cảm tử này.

Tiếp nối truyền thống huyện đảo anh hùng, ngày nay tập thể cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 540 (đơn vị đóng quân trên đảo) luôn xác định rõ chức trách nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất với nhiều kết quả tích cực, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy cấp trên về tình hình diễn biến trên biển để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thượng úy Lê Đình Hướng, Chính trị viên Trạm Rada 540, Vùng 3 Hải quân cho biết: Đa số cán bộ chiến sĩ trên đảo tuổi đời khá trẻ, nhiều người lần đầu tiên được đón mùa Xuân trên đảo, nhưng nén lại tình cảm riêng tư, gác lại nỗi nhớ nhà, chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó lên trên hết.

Với chúng tôi, đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hiện sóng là chiến trường. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến sĩ rada phải sát sao với mọi thay đổi về tọa độ của các tàu trên biển, không được phép lơ là dù chỉ một phút, không để xảy ra bất cứ tình huống bất ngờ nào.

Sức sống giữa trùng khơi

Khác với hình dung của chúng tôi về một hòn đảo hoang vắng, Cồn Cỏ giống một đô thị quy mô nhỏ của hàng chục hộ dân cùng trụ sở các cơ quan huyện đảo. Tại đây nhà cửa, đường phố được xây dựng khang trang, rực rỡ. Kể về sự đổi thay của huyện đảo, chị Trần Thị Quyết (SN 1974) – một trong 46 thanh niên đầu tiên xung phong ra xây dựng đảo,hồ hởi chia sẻ: “Năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ chính thức được thành lập.

“Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhất là ở các vùng biển xa. Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh chiến đấu, mệnh lệnh trái tim của những người giữ biển.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân khi được giao nhiệm vụ luôn xác định tốt trách nhiệm, khắc phục khó khăn, bằng mọi cách để đến nhanh nhất, cứu sớm nhất và bảo đảm an toàn cao nhất cho ngư dân” - Đại tá Lê Thanh Vân Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân.

Những ngày đầu, nơi đây còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, thiếu phương tiện liên lạc, nước ngọt phải chở từ đất liền vào bằng can, trạm điện trên đảo chạy dầu diesel chưa ổn định nên chỉ đủ cấp điện từ 8 – 15 tiếng/ngày… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đoàn kết của quân, dân, Đảng bộ, chính quyền, huyện đảo Cồn Cỏ đã có nhiều bước chuyển mình đột phá”.

Năm 2007, Trường Mầm non đầu tiên mang tên Hoa Phong Ba được xây dựng, đáp ứng nhu cầu học tập của những thế hệ mới đầu tiên sinh ra trên huyện đảo Cồn Cỏ. Năm 2013, tình trạng khan hiếm nước ngọt trên đảo đã được giải quyết nhờ hệ thống giếng bơm trải đều và các bể chứa nước ngầm dự trữ.

Cơ sở hạ tầng của đảo dần đi vào hoàn thiện. Giao thông được cải thiện với con đường trải nhựadài 5km chạy dọc quanh đảo. Nguồn điện đã được cung cấp phục vụ đời sống người dân 24/24h từ năm 2017. Ngày 11/7/2017, Cột cờ Cồn Cỏ chính thức được khánh thành, là biểu tượng của độc lập, là cột mốc chủ quyền trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà còn góp phần tạo ra điểm tham quan hấp dẫn du khách.

Năm 2017, tuyến du lịch Cảng Cửa Việt- Cồn Cỏ, sức chứa 50 người lần đầu được đưa vào vận hành đã đem 1.900 lượt du khách đến với đảo. Dự kiến hoạt động du lịch tới huyện đảo sẽ thêm khởi sắc khi tháng 8/2018, thêm một tuyến du lịch bằng tàu cao tốc (sức chứa 80 người) ra Cồn Cỏ được khai thác.

Một đăc điểm nữa đó là, Cồn Cỏ có vị trị địa lý không quá gần cũng không quá xa và có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đồng thời do nằm trong khu vực miền Trung nơi giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng Bắc - Nam, và đặc biệt là tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nối Việt Nam với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar ... nên Cồn Cỏ có lợi thế lớn về mặt vị trí địa lý. Đảo Cồn Cỏ là chiến trường xưa gắn liền với những trận đánh ác liệt, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Kết thúc chuyến công tác, Đại Tá Lê Thanh Vân đã có lời động viên, cũng là nhắc nhở: “Được làm việc trên đảo là niềm tự hào, vinh dự với mỗi cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta phải luôn xác định, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; quân dân trên đảo tạo thành một khối đại đoàn kết thống nhất.Trách nhiệm của chúng ta là củng cố khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đồng thời tham gia phát triển kinh tế xã hội trên đảo.

Nhân dân huyện đảo sẽ là điểm tựa để các lực lượng vũ trang phát huy khả năng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khối đại đoàn kết vững chắc này chính là cơ sở bảo đảm vững chắc cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta, đồng thời góp phần đem lại diện mạo mới cho hải đảo nói riêng, đất nước nói chung”.

Tuấn Dũng – Thảo Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này