Điện ảnh Việt Nam giữa dòng chảy hội nhập

Bài 1: Phim Việt có còn bản sắc Việt?

15:51 | 12/04/2018
Trải qua những năm tháng thăng trầm của nền điện ảnh Việt Nam, từ dấu ấn của những bộ phim đầu tiên của dòng phim điện ảnh cách mạng những năm 70 như Ván bài lật ngửa, Cánh đồng hoang... thu hút được nhiều khán giả, giành được giải thưởng trong những liên hoan phim quốc tế, cho đến nay phim Việt lại bắt đầu chuyển mình tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến các nhà chuyên môn cần phải bàn luận và các nhà làm phim cũng cần phải nhìn lại chính mình.
bai 1 phim viet co con ban sac viet Phim "Tháng năm rực rỡ" thu về 84 tỷ, lọt top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất
bai 1 phim viet co con ban sac viet Phim Re-make sẽ không được trao giải "Cánh Diều Vàng" 2017

Giải Cánh Diều năm 2017 đang đếm ngược đến với thời khắc trao giải vào ngày 15/4 tới với những tiêu chí là đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn đang cảm thấy lo lắng vì khó có thể tìm ra được ứng viên xứng đáng trong số những bộ phim được cho là “kém chất” về mọi mặt.

bai 1 phim viet co con ban sac viet
Phim Giấc mơ Mỹ

Phim điện ảnh là dòng phim được quan tâm nhiều nhất bởi độ phủ sóng ở tất cả các rạp chiếu trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, thì “có những phim chẳng thể hiện được tiêu chí nào cả. Đông đảo nhất là những phim được tiêu chí này thì hỏng tiêu chí khác”.

Đề tài phim nghèo nàn, chủ yếu tập trung vào gia đình, tình yêu, học đường. Còn thiếu những bộ phim nói về vấn đề quan trọng cũng như các vấn đề bức thiết của cuộc sống con người Việt Nam. Thiếu những hình mẫu nhân vật mang sức vóc cả về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện công việc nhiệm vụ mang tính chất xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát:

“Nhiều bộ phim có đề tài rất hay nhưng cách kể chuyện cứ lộn tùng phèo, rắc rối, ngồn ngộn sự việc, sự kiện mâu thuẫn, vô lý. Tính kể chuyện trong nhiều bộ phim làm chưa nhất quán, tính chuyên nghiệp về mặt diễn xuất chưa có. Nhiều phim diễn viên thiếu chuyên nghiệp vì diễn viên thì ít, chủ yếu là người mẫu, diễn như là cương lên cả một bộ phim, xem rất khó chịu. Đó là những nhược điểm mà cần chỉ ra để các nhà làm phim tư nhân thấy mà khắc phục để những mùa phim sang năm sẽ tốt hơn”.

Có nhiều phim bố cục rối, ôm đồm nhiều tuyến truyện, tuyến nhân vật làm cho phim khó theo dõi. Có những yếu tố làm hỏng tinh thần của bộ phim, đó là yếu tố giả như cốt truyện, tình huống giả, diễn xuất cường điệu như sân khấu, lời nói đao to búa lớn, hóa trang không phụ hợp, phụ trang, đạo cụ không đúng với nhân vật, không đúng với thời gian, không gian của bộ phim, gây ra một cảm giác giả đối với bộ phim, làm mất niềm tin của khán giả xem phim. Nội dung và nhân vật của rất nhiều phim tập trung vào cuộc sống và con người giầu sang thượng lưu.

Ở dòng phim truyền hình dài tập, NSND Thanh Nhã nhận xét: Phim truyền hình dài tập tuy không phải là một hạng mục quan trọng nhất trong khuôn khổ cánh diều vàng thường niên do điện ảnh Việt Nam tổ chức, nhưng nó luôn được chú ý bởi tính phổ biến của tác phẩm trong đời sống xã hội. Các tác phẩm tham dự luôn luôn có giá trị phản ánh một số xu hướng quan tâm của công chúng và sự định hướng thẩm mỹ của xã hội trong từng giai đoạn cụ thể.

Trong 11 phim dự thi giải Cánh Diều có đến 7 phim được làm qua các trung tâm sản xuất lớn. Có thể thấy sự đầu tư chỉn chu từ nội dung đến công nghệ sản xuất của các trung tâm này đã mang đến chất lượng cao cho những tác phẩm dự thi. Có những phim như “Thương nhớ ở ai”, bộc lộ cái nhìn sâu sắc về người Việt trong một quá khứ nhiều buồn đau từ chiến tranh và những sai lầm tiệm cận.

Phim “Sống trong bóng đêm” của Truyền hình Việt Nam đã đào sâu tâm lý nhân vật ở tiềm thức, bộc lộ những khao khát vượt lên số phận của những con người nhỏ bé vượt lên nhiều uẩn ức. Với những phim do các nhà sản xuất phim tư nhân thực hiện thì có thể thấy dù có xu hướng giải trí khá rõ rệt nhưng các ê kíp thực hiện đã chưa thực sự đầu tư tâm sức để có được những tác phẩm đạt được giá trị nhân văn đáng kể.

Còn đối với thể loại phim hoạt hình, NSND Phương Hoa đánh giá, năm nay phim hoạt hình cũng “khiếm tốn” như những năm khác. Theo NSND Phương Hoa, phim hoạt hình không có gì đổi mới, đột phá trong đề tài cũng như cách thể hiện và hiếm hoi các đề tài mang hơi hướng cuộc sống hiện tại. Nhìn chung các bộ phim vẫn còn đơn giản, thô sơ và chưa thực sự hấp dẫn.

Thể loại phim tài liệu được coi là có khởi sắc nhất, nhưng cũng vẫn còn nhiều sạn. NSND Lương Đức cho biết, Cánh Diều năm nay có 34 phim tài liệu và 9 phim khoa học từ 22 cơ sở sản xuất phim trong cả nước sản xuất năm 2017. Nhìn chung các phim đều đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Các tác giả đã bám sát thực tế và phản ánh nhiều khía cạnh đa dạng, đa chiều về hoàn cảnh, về cuộc sống của người dân lao động các vùng miền.

Nhìn chung mặt bằng phim tài liệu khoa học năm nay chất lượng sụt giảm, đề tài không mới, các tác giả chưa khai thác sâu vào các vấn đề, nhiều phim còn chàng màng. Các đạo diễn trẻ còn loay hoay thử nghiệm. Nhiều phim xử lý chất liệu tùy tiện, lạm dụng cảnh quay flycam các cảnh cận cảnh và đặc tả. Nói chung tính kịch trong phim tài liệu yếu, ít được quan tâm đúng mức.

Nhiều khuôn hình phản cảm khi nói về nạn nhân chất động da cam hay các nhân vật tật nguyền. Bên cạnh đó có một số phim tốt, xúc động, tạo được hiệu quả xã hội cao. So với tiêu chí phim khoa học truyền thống kinh điển thì năm vừa qua mặt bằng phim khoa học yếu kém, có nhiều ý kiến cho rằng “Phim khoa học mà không khoa học”, nó xuất hiện một xu hướng pha tạp thể loại khoa học và tài liệu; phóng sự khoa học và khoa học, giống những phim khoa học thời kỳ đầu cách đây 60 năm.

Sau 2 ngày xem hàng chục bộ phim Việt Nam các thể loại. NSND Nhuệ Giang chỉ biết thốt lên: “Thật là thảm họa! phim tệ chiếm tỷ lệ cao, còn lại chỉ là những phim… xem được”. NSDN Nhuệ Giang cho rằng, thị trường phim đang tạo nên những bộ phim xa lạ với đời sống của người Việt, và tạo nên một thế hệ xem phim lười biếng, ít tư duy từ những bộ phim thị trường chỉ quan tâm đến doanh thu, ít có tính giáo dục.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Phim Việt hóa “đè” phim Việt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này