Hệ thống giáo dục mầm non tư thục:

Có giám sát... mới thấy còn bất cập

10:51 | 06/04/2018
Qua giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Hà Nội cho thấy, những năm gần đây, do nhu cầu thực tế gửi trẻ của người dân lớn đã dẫn đến quy mô phát triển của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tăng nhanh vì vậy đòi hỏi phải nâng cao chất lượng quản lý hoạt động này.
co giam sat moi thay con bat cap Yêu cầu sửa quy định về điều kiện thành lập trường mầm non tư thục.
co giam sat moi thay con bat cap Công nhân không gửi con vào nhóm trẻ gia đình thì gửi ở đâu?

Loại hình mầm non tư thục tăng nhanh

Tiếp tục chương trình giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2015 đến nay, ngày 4/4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Hà Nội do Trưởng Ban Trần Thế Cương làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tại huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận cho biết: Toàn quận có 28 trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập và 86 nhóm lớp độc lập tư thục, với tổng số 8.599 học sinh và 1.605 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Về cơ sở vật chất, đa số cơ sở mầm non tư thục tại quận gặp khó khăn trong việc quy hoạch sân chơi ngoài trời, nhất là diện tích sân cỏ để trẻ được hoạt động, phát triển thể chất.

co giam sat moi thay con bat cap
Cô giáo cho trẻ ăn tại Nhóm lớp mầm non tư thục Quỳnh Trang, quận Hai Bà Trưng.

Trong công tác quản lý, một số cơ sở thường xuyên thay đổi cán bộ quản lý, địa điểm hoạt động, giải thể, thành lập các cơ sở khác nhau trên địa bàn… Theo bà Trần Thị Thu Hà, sự phát triển nhanh của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là do nhu cầu thực tế gửi trẻ của người dân lớn, trong khi hệ thống trường công lập chưa đáp ứng được yêu cầu.

Là xã có địa bàn rộng, dân số đông với số lượng trẻ lớp tư thục lớn nhất huyện Thanh Trì (3 trường, 26 nhóm lớp), ông Lưu Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai phản ánh: Xã có 2 trường công lập thì chỉ giải quyết được 1/3 nhu cầu gửi trẻ, do vậy để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, những năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều cơ sở mầm non tư thục được thành lập.

Đến nay, đã có 3 trường, 26 nhóm lớp tư thục, tập trung ở khu đô thị Đại Thanh. Hầu hết các nhóm lớp đều phải đi thuê nhà để làm cơ sở đã gây áp lực lớn cho các chủ nhóm lớp, vì phải thuê nhà giá cao, nên dễ thay đổi, chuyển nhượng khi chủ nhóm không đáp ứng được, khiến phụ huynh không yên tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì, khó khăn nhất hiện nay với huyện lại là quy mô phát triển của loại hình mầm non tư thục tăng nhanh (từ 34 trường, nhóm lớp tư thục được cấp phép năm 2014 đến nay đã tăng lên 145 cơ sở), trong khi nhiều nhóm lớp nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng việc thành lập trường mầm non.

Bên cạnh đó, nhân sự các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thường xuyên biến động, nên công tác quản lý của các cấp gặp khó khăn, nhất là việc bồi dưỡng, chuyên môn cho giáo viên. Ngoài ra, việc thực hiện các quy định pháp luật đối với chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục còn hạn chế, đặc biệt trong việc tham gia đóng BHXH cho giáo viên, nhân viên.

Cần nâng cao chất lượng quản lý

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng cho biết, khó khăn lớn nhất trong hoạt động giáo dục mầm non ngoài công lập tại quận là đội ngũ cán bộ chuyên trách của Phòng Giáo dục và đào tạo mỏng trong khi số cơ sở giáo dục trên địa bàn tương đối lớn, không ổn định, thường xuyên biến động; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngoài công lập cũng thường xuyên thay đổi.

Đặc biệt, kinh nghiệm giáo viên nhiều cơ sở ngoài công lập chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới, ứng dụng phương pháp giáo dục hiện đại; nhiều cơ sở chưa quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Cán bộ quản lý ngoài công lập thì chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và triển khai văn bản chỉ đạo của các cấp.

Từ thực tế, bà Hà cho rằng, cần thiết bổ sung một số thủ tục thực hiện việc chuyển đổi miễn nhiệm hiệu trưởng, chuyển địa điểm, mở rộng quy mô nhóm lớp, yêu cầu chủ nhóm lớp phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Như vậy mới có thể góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cũng cho biết, trong điều kiện dân số rất đông và di chuyển dân cư cơ học lớn thì sự phát triển của các trường ngoài công lập tại quận đã có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa, đáp ứng được trên 40% nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Hoạt, trong hoạt động của mạng lưới mầm non, mẫu giáo ngoài công lập vẫn còn rất nhiều tồn tại, mà tới đây quận và các phường sẽ siết chặt hơn nữa việc quản lý các cơ sở trong việc chấp hành quy định pháp luật; quan tâm để có sự bình đẳng về quyền lợi cho giáo viên, học sinh giữa hai khu vực công lập và ngoài công lập, đồng thời tích cực phối hợp với các sở tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Từ khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến của đại diện các địa phương, Đoàn giám sát nhận định, bên cạnh những nỗ lực mà các địa phương đã làm được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý hoạt động giáo dục mầm non, mẫu giáo. Trong đó có những điểm nổi bật là vẫn còn nhiều nhóm lớp nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo điều kiện để thành lập trường, thiếu sân chơi cho trẻ, một số nhóm lớp có số trẻ vượt quy định; các chủ nhóm, chủ trường thường xuyên thay đổi, đội ngũ giáo viên không ổn định... “Trên cơ sở thực thế khảo sát và những kiến nghị của địa phương là căn cứ để Ban tham mưu HĐND Thành phố có những quyết sách phù hợp thực tế” - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND Thành phố Trần Thế Cương khẳng định.

Theo ông Trần Thế Cương, thời gian tới, huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng cần quan tâm hơn nữa tới việc kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo sinh hoạt cho các cơ sở này như: Phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ cho giáo viên, học sinh theo quy định… Đồng thời, cần tăng cường chức năng giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã (phường); chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn cho giáo viên, nhân viên; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý; phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này