Đừng than trách bản thân khi con bị tự kỷ

10:16 | 01/04/2018
Nhiều phụ huynh rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Do thiếu kiến thức, các bậc cha mẹ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con mắc chứng tự kỷ.
dung than trach ban than khi con bi tu ky Người bị trầm cảm, tự kỷ và lo âu ở Việt Nam tăng nhanh
dung than trach ban than khi con bi tu ky Những dấu hiệu trẻ có thể bị tự kỷ
dung than trach ban than khi con bi tu ky
Chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ cần thời gian và kiên trì

Tuy nhiên, Ths.BS Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng: Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ khoảng 1% dân số thế giới. Nguyên nhân của rối loạn này còn chưa được biết rõ. Khi con mắc chứng bệnh này, cha mẹ không nên tự trách bản thân.

Ths.BS Thành Ngọc Minh chia sẻ: Bé N.A.V là con thứ hai của vợ chồng chị N.T.V. (ở tỉnh Nam Định). V sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 3 tuổi V vẫn không biết nói, nhận thức không bằng một đứa trẻ 1 tuổi.

Lo lắng hơn, V càng ngày càng có những hành động không bình thường với người xung quanh. Đưa con đến bác sĩ để khám và đánh giá, gia đình chị V mới biết V mắc chứng bệnh tự kỷ điển hình, không có ngôn ngữ, nhận thức không bằng trẻ 1 tuổi.

Chị V nghẹn ngào: “Chẳng thà vợ chồng bỏ bê không chăm sóc nên con bị bệnh đã đành. Từ khi sinh con, tôi đã từ bỏ công việc mình yêu thích và theo đuổi cả chục năm để có thời gian bên con. Vậy mà...".

Cùng tâm trạng có con mắc bệnh như chị Vân, chị N.T.H (Hà Nội) vô cùng đau lòng khi đứa con trai độc nhất của mình mắc chứng tự kỷ.

Chị H trải lòng: Con trai chị năm nay 7 tuổi. Lúc mới sinh ra cháu thường quấy khóc về đêm, cáu bẳn... Khi con càng lớn, biểu hiện hung hãn càng tăng.

Thêm vào đó, con không có biểu hiện phát triển về ngôn ngữ. Khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đất trời sụp đổ khi chị được bác sĩ thông báo con mắc hội chứng tự kỷ.

“Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được cảm giác hụt hẫng và tuyệt vọng khi bác sĩ nói không có thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi hội chứng tự kỷ của con mình. Tình cảm yêu thương mà gia đình dành cho cháu là liệu pháp duy nhất nhưng cũng không có gì chắc chắn”.

Bác sĩ Thành Ngọc Minh cho biết: Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Do đó, "thay vì đổ lỗi cho bản thân, cha mẹ cần đóng một vai trò tích cực và chủ động trong tất cả các hoạt động can thiệp cho trẻ. Can thiệp tự kỷ là một quá trình lâu dài, không có hạn định về thời gian. Điều quan trọng là sự quyết tâm, kiên trì, tin tưởng, yêu thương và sự đồng hành của cha mẹ với trẻ”, Ths.BS Minh chia sẻ.

Ngày 2.4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ”. Năm 2018, "Ngày nhận thức VN về tự kỷ lần thứ 3" được diễn ra tại trường Trung học chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Theo L.Hà/laodong.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này