Cấm để xe, kinh doanh dưới gầm cầu:

Còn nhiều bất cập

10:39 | 23/03/2018
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an toàn công trình cầu đường bộ. Tuy nhiên, công tác xử lý vấn đề trên vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng giải tỏa rồi lại tái lấn chiếm vẫn diễn ra khá phổ biến.
con nhieu bat cap Từ 1.12, cấm làm bãi đỗ xe dưới gầm cầu
con nhieu bat cap Ô nhiễm dưới gầm cầu Long Biên

“Nhộn nhịp” trông giữ xe dưới gầm cầu

Theo TT35 sửa đổi Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, từ ngày 1/12/2017, các tổ chức, cá nhân không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh các tuyến phố có xây dựng cầu vượt ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những bãi xe chật cứng phương tiện, xếp san sát nhau dưới các gầm cầu. Thậm chí, tại một số điểm, xe còn đỗ tràn lên dải phân cách gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

con nhieu bat cap
Bãi gửi xe ở gầm cầu Chương Dương.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy), số lượng ô tô, xe máy được trông coi ở đây lên tới hàng trăm chiếc. Phía xung quanh gầm cầu được phủ kín bằng hàng rào lưới sắt... Chị Hồ Kiều Anh (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết: “Điểm trông giữ phương tiện tại khu vực này tồn tại khá lâu rồi. Mặc dù biết là sai qui định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn nhưng không gửi ở đây thì cũng không biết gửi ở đâu”. Được biết, xe ở trong bãi chủ yếu là xe của người dân sống tại khu vực quanh cầu, trong các con hẻm nhỏ và chung cư.

Với khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu gửi xe của người dân cộng thêm quy định cấm đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè ở hàng trăm tuyến phố khiến TP Hà Nội đang “khát” địa điểm gửi xe. Theo Quyết định số 165/2003/QĐ-UB ban hành ngày 2/12/2003 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha.

Tuy nhiên, đến nay, theo Sở GTVT Hà Nội mới bố trí được khoảng 91,16ha (chiếm 0,21%) đất xây dựng đô thị. Bởi vậy, thành phố đang rơi vào cảnh thiếu điểm, bãi đỗ xe tĩnh nghiêm trọng. Đây chính là những lý do khiến các bãi xe dưới gầm cầu vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Gầm cầu vượt thuộc đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ) cũng bị một số cá nhân trưng dụng làm bãi trông giữ ô tô… cả ngày và đêm. Đáng nói, ô tô còn leo lên cả dải phân cách khiến thảm cỏ và cây xanh quanh khu vực nàycũng bị ảnh hưởng.

Hay như bãi trông giữ xe dưới gầm cầu vượt ngã tư Vọng đã hoạt động từ nhiều năm nay. Mặc dù việc tổ chức trông giữ xe tại khu vực gầm cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn cháy nổ, ảnh hưởng tới kết cấu của cầu vượt nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy được trông giữ. Được biết, đây là khu vực có lưu lượng xe dày đặc, vào giờ cao điểm, chỉ cần một xe ô tô ra vào bãi gửi xe là xảy ra hiện tượng ách tắc. Trên địa bàn xã Hải Bối, tình trạng xâm chiếm hành lang bảo vệ cầu Thăng Long càng trở nên nghiêm trọng.

Chạy dọc khu vực nút giao với đường 6 cây (còn có tên khác là đường 23A), đường Bê Tông gầm cầu còn được “trưng dụng” thành nhà hàng, quán game, gara ô tô, điểm tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng... Cách đó không xa, khu chợ Cổ Điển cũng họp tấp nập, nhiều đoạn người dân còn lấn sát vào chân cầu để đậu xe và trưng bày hàng hóa. Ngoài các vi phạm về lấn chiếm, ngay dưới gầm cầu, đoạn thuộc thôn Cổ Điển cũng đang tồn tại bãi tập kết rác, phế thải nằm ngay sát chân cầu. Rác, phế thải lưu cữu lâu ngày khiến cả khu vực chìm trong mùi xú uế, môi trường bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng.

Cần xiết chặt quản lý

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc tận dụng gầm cầu làm bãi gửi xe là điều cực kỳ nguy hiểm, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Chưa kể đến nguy cơ cháy nổ với tổn thất lớn khi nhiều phương tiện được để chung một chỗ. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự cố cháy nổ sẽ ảnh hưởng đến kết cấu dầm cầu dẫn tới sập cầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, việc tu sửa, bảo trì dầm cầu cũng gặp nhiều khó khăn nếu dùng gầm cầu làm điểm gửi xe, gây nên tình trạng mất an toàn công trình. Bởi vậy, việc xử lý các bãi trông giữ xe chiếm dụng gầm cầu là vô cùng cần thiết.

con nhieu bat cap
Bãi gửi xe ở gầm cầu Mai Dịch vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp lệnh cấm của Thông tư.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh (Chuyên viên tư vấn luật, Công ty Cổ phần tư vấn DLS Việt Nam), tại Khoản 6 Điều 10, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 9/10/2017 đã nêu rõ không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Điều 14, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 nêu rõ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này (ngày 1/12/2017), khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.

Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho Ủy ban Nhân dân các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định. “Việc xử lý các bãi trông giữ xe chiếm dụng gầm cầu là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên cần có những bước đi và lộ trình phù hợp để quy định này khả thi trong thực tiễn” – ông Sinh nhấn mạnh.

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, cháy nổ, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị, thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nêu trên. Đồng thời, thời gian tới, các ban ngành chức năng cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu đỗ xe, số lượng các phương tiện để nhanh chóng quy hoạch, xây dựng các bãi đỗ xe thay thế nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu giao thông tĩnh của người dân Thủ đô. Chỉ có như vậy, việc “xẻ thịt” gầm cầu mới không còn tái diễn

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này