Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tiếp nhận hiện vật và tri ân các nhà báo tuổi 90

10:37 | 17/03/2018
Chiều ngày 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng và gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90.
tin nhap 20180316222330 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Hội báo toàn quốc 2018
tin nhap 20180316222330 Tưng bừng khai mạc Hội Báo toàn quốc 2018
tin nhap 20180316222330 Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được thành lập
tin nhap 20180316222330 Ngôi nhà ký ức của báo chí nước nhà

Nhiều hiện vật có giá trị

Ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được thành lập. Trước đó, Ban Quản lý Dự án đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của các cấp, ngành, các tập thể và cá nhân, các nhà báo, gia đình nhà báo và công chúng báo chí trong cả nước. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày.

tin nhap 20180316222330
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao Giấy chứng nhận cho đại diện tập thể, cá nhân hiến tặng hiện vật.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến các giai đoạn phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam vẫn chưa được sưu tầm. Với mong muốn sớm tập hợp, nghiên cứu sử dụng và phát huy kịp thời giá trị của các di sản văn hóa báo chí, trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2018, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 8.

tin nhap 20180316222330
Hiện vật hiến tặng của nhà báo Nguyễn Trần Thiết.

Tại Lễ hiến tặng lần này, có hơn 40 tập thể và các cá nhân tham gia hiến tặng. Gồm 5 nhóm hiến tặng như sau: Các cơ quan báo chí lớn của TW, các cơ quan báo chí địa phương và các hội nhà báo địa phương; gia đình các nhà báo lão thành đã mất; các gia đình nhà báo liệt sĩ; các nhà báo quân đội; các nhà báo, nhà nghiên cứu, cộng tác viên Bảo tàng.

Hai mươi năm trước, Báo Kinh tế và Đô thị xuất bản số đầu tiên. Đến nay, tờ báo đã trở thành một tên tuổi có uy tín trong lòng độc giả thủ đô. Những hiện vật và tư liệu do báo hiến tặng đã nói lên một phần những nỗ lực của một tập thể những người làm báo.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng rất xúc động khi nhận được từ gia đình cố nhà báo Xuân Thủy chiếc cà-vạt lúc sinh thời ông thường dùng. Đặc biệt là chiếc ống nhòm mà nửa thế kỷ trước nhà báo Xuân Thủy đã sử dụng để nhìn sang bên kia cầu Hiền Lương trong chuyến công tác Vĩnh Linh, và chiếc áo Tôn Trung Sơn ông mặc tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo VN năm 1959 cùng một số bút tích, bản thảo, thư từ… Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng tặng lại gia đình bản sao Bằng khen của Tổ chức Quốc tế các nhà báo tặng Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Xuân Thủy năm 1960.

Gia đình cố nhà báo Nguyễn Thành Lê đã hiến tặng Bảo tàng nhiều kỷ vật quý gắn với cuộc đời làm báo của nhà báo Nguyễn Thành Lê. Lần này, là gần như toàn bộ tủ sách của cố nhà báo để lại với trên 400 cuốn sách và một số sổ tay ghi chép nhiều thời kỳ của ông... Đây là những tài liệu rất gắn bó, gần gũi với cố nhà báo và phục vụ đắc lực công tác làm báo lúc sinh thời của ông.

​Cố nhà báo, họa sĩ Phan Kế An vừa tạ thế ở tuổi 95, không kịp tham dự cuộc gặp gỡ các nhà báo kháng chiến tuổi 90. Đến với buổi hiến tặng, chị Thúy, con gái ông đã thay mặt cha mình tặng cho Bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật mà họa sĩ để lại, trong đó có “Bức ký họa chân dung Bác Hồ đăng trên báo Sự Thật năm 1948” và chiếc “Bi - đông đựng nước thời kháng chiến” của ông.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam xúc động cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên vô cùng to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và nhiều công chúng báo chí trong cả nước. Mỗi hiện vật, tư liệu nhận được, vốn dĩ là những tài sản tinh thần quý giá được giữ gìn trong các cơ quan, đơn vị, trong các bộ sưu tập cá nhân, nay chính thức được trao gửi cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn coi đó là những tình cảm hết sức quý giá, xin hứa sẽ giữ gìn và giới thiệu rộng rãi nhất các di sản báo chí đó đến với công chúng trong, ngoài nước.

Gặp gỡ các nhà báo tuổi 90

Ngoài Lễ hiến tặng hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam vinh hạnh được đón tiếp và tôn vinh một số nhà báo lão thành tuổi 90 – những ngọn bút đã góp phần xuất sắc viết nên lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

tin nhap 20180316222330
Các nhà báo lão thành chụp ảnh lưu niệm.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho hay: "Trong quá trình thành lập Bảo tàng, các nhà báo lão thành tuổi 90 đã bằng nhiều cách khác nhau, giúp chúng tôi có được những hiện vật, tài liệu, hình ảnh đầu tiên gắn với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Các bác chính là những tấm gương đặc biệt về nghề báo, và nay tiếp tục là những cộng tác viên đặc biệt của Bảo tàng! Trong không khí mùa xuân, mùa hội báo, có thể coi đây là Lễ mừng thọ tuổi đời và tuổi nghề các nhà báo bậc thầy của các thế hệ nhà báo Việt Nam hôm nay".

Buổi lễ đã vinh dự được đón tiếp 10 nhà báo tuổi từ 89 đến 95. Đó là NB Phan Quang – Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; NB Hà Đăng – Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa TW, TBT Báo Nhân Dân; Nhà báo Thái Duy – nguyên Phóng viên Báo Cứu quốc, Báo Giải phóng, Báo Đại đoàn kết; Nhà báo Đặng Minh Phương – nguyên TBT báo Cờ Giải phóng, Trưởng cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng; Nhà báo, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp; Nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng; Nhà báo, Đại tá Nguyễn Trần Thiết – nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân; Nhà báo Lý Thị Trung, nguyên phụ trách đầu tiên của báo Phụ nữ Thủ đô; Nhà báo Võ Thế Ái, nguyên Phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam (Nhà báo Trần Kiên, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Nhà báo, GS Đào Nguyên Cát - TBT Thời báo Kinh tế Việt Nam vì lý do sức khỏe nên đã không đến tham dự được).

Tại buổi giao lưu, nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam sau 70 năm cầm bút đã có một đúc kết về nghề gồm 8 chữ: “Đọc - đi - nghĩ- viết; Đúng - trúng- nhanh- hay”. Hay nhà báo Hà Đăng, người tham gia Hội nghị Pa-ri, một ngọn bút sắc sảo trên mặt trận đấu tranh thống nhất và kinh tế, một cây bút chính luận chủ chốt của Báo Nhân Dân cũng đã có những ý kiến sâu sắc về nghề báo. Cuối cùng “Báo chí phải là vũ khí của dân”! Đó là đúc kết của Nhà báo chiến đấu Thái Duy - Trần Đình Vân, tác giả Sống như Anh- một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất thời chống Mỹ.

Cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhà báo tuổi 90 đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của nhiều cơ quan báo chí, doanh nghiệp, cơ quan, trường học.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này