Nghiêm cấm đưa lao động tới khu vực bị nhiễm xạ ở Nhật Bản

11:32 | 16/03/2018
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa có công văn gửi các công ty phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản nghiêm cấm việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các khu vực bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc và khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo rà soát về Cục trước 15/3.
nghiem cam dua lao dong toi khu vuc bi nhiem xa o nhat ban Nhu cầu tuyển lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tăng cao
nghiem cam dua lao dong toi khu vuc bi nhiem xa o nhat ban Thị trường lao động Nhật Bản: “Quyết trảm” để cứu thị trường lớn

Trước đó, ngày 8/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được thông tin về việc một thực tập sinh Việt Nam khiếu nại đến cơ quan chức năng tại Nhật Bản về việc mình bị đưa đến làm việc tại khu vực nhiễm phóng xạ tại tỉnh Fukushima. Đây là khu vực bị nhiễm phóng xạ ở mức cao sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ năm 2011 và hiện đang được cách ly.

nghiem cam dua lao dong toi khu vuc bi nhiem xa o nhat ban
Ứng viên tham gia chương trình đào tạo điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản (Ảnh minh họa:Dolab): Nhandan.com.vn

Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thực tập sinh, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty phái cử lao động khẩn trương liên hệ, rà soát với các nghiệp đoàn tiếp nhận để tìm hiểu thông tin vụ việc. Trường hợp nếu có thực tập sinh bị đưa vào làm việc ở khu vực cấm như đã nêu trên, các doanh nghiệp cần báo cáo và phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh; khẩn trương cử cán bộ sang Nhật Bản để giải quyết vụ việc.

Cũng tại công văn này, Cục quản lý lao động ngoài nước nghiêm cấm việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các khu vực bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc và khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm (theo điều 1, Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2017). Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo đầy đủ thông tin rà soát về Cục trước 15/3.

Cùng với công văn gửi các doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có công văn gửi Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó đề nghị: Ban Quản lý cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của nước bạn như: Bộ Tư pháp, Tổ chức thực tập kỹ năng người nước ngoài Otit và làm việc với Liên đoàn Lao động Nhật Bản, nơi đang hỗ trợ thực tập sinh khiếu nại vụ việc, để tìm hiểu rõ thông tin.

Cục cũng yêu cầu Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Liên quan đến việc khiếu nại của một thực tập sinh, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã có cuộc làm việc với Bộ Tư pháp Nhật Bản. Hiện, phía bạn đang tiến hành điều tra và sẽ hợp tác với Việt Nam để làm rõ vụ việc.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này