Hết lòng vì sự nghiệp trồng người

15:46 | 13/03/2018
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Người ta gọi là nghề trong sạch nhất; Có một nghề không trồng hoa trên đất/ Lại nở cho đời muôn vạn đóa hoa thơm”. Đó là những câu ví rất hay khiến bao thế hệ học sinh trong trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội gợi nhớ về người thầy tận tụy của mình.
het long vi su nghiep trong nguoi 70232 Hồ Chủ tịch với sự nghiệp trồng người - trồng cây
het long vi su nghiep trong nguoi 70232 Tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh của thầy Nguyễn Văn Nghiệp (Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường THCS Phú Châu) vẫn luôn là người thầy kính yêu, luôn tâm huyết trong từng lời nói, ánh mắt khi nói về đổi mới trong giáo dục.

het long vi su nghiep trong nguoi 70232
Thầy Nghiệp trong một tiết học tại Trường THCS Phú Châu

"Giáo viên: Không giỏi nhất thì cố gắng làm những điều tốt nhất"

Khi nhắc đến thầy Nguyễn Văn Nghiệp, mọi người vẫn nhớ về thành tựu với cái tên “Tiếng trống học bài”. Nhận thấy mấy năm gần đây, phong trào học tập của nhân dân trong xã có chiều sa sút: Chất lượng đại trà cũng như chất lượng mũi nhọn trong các nhà trường còn thấp, học sinh lười học, hay tụ tập ngoài đường ở ngã 3, ngã 4, nơi công cộng hoặc tụ tập hát karaoke ầm ĩ vào các buổi tối; không ít gia đình người lớn chưa quan tâm đến việc học tập của trẻ em ngay trong nhà mình.

het long vi su nghiep trong nguoi 70232
Thầy nghiệp hướng dẫn cán bộ đài truyền thanh xã đọc lời nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh.

Nhiều gia đình không đôn đốc con cháu tự học, bản thân không gương mẫu tự học qua sách báo, tài liệu tuyên truyền mà thường mở tivi xem phim hoặc nói chuyện phiếm phân tán sự chú ý học tập của con trẻ…

Thầy Nghiệp đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất Đảng ủy xã Phú Châu ban hành nghị quyết về công tác giáo dục từ năm 2016 - 2020 và những năm tiếp; bên cạnh đó ban hành qui chế thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập” thông qua “Tiếng trống học bài” vào các buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn xã Phú Châu.

Chuẩn bị cho năm học 2016 - 2017, thầy đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo đài truyền thanh thu âm. Sau 10 giây dạo một đoạn nhạc trong bài hát “Dòng máu lạc hồng” là lời nhắc của phát thanh viên “Đã đến giờ tự học buổi tối, học tập suốt đời - chìa khóa của mọi thành công; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; xin mời tất cả chúng ta cùng nhau tự học, cùng nhau tự học”, và sau đó là 1 hồi 6 tiếng trống, tiếp luôn là 1 hồi 3 tiếng chuông chùa vang lên.

Ngày đầu tiên của năm học mới 2016 - 2017, tiếng trống học bài lần đầu tiên được vang lên trên hệ thống loa truyền thanh làm hiệu lệnh chung, thống nhất trong toàn xã. Kết hợp tiếng trống trong mỗi thôn, mỗi cụm dân cư tạo thành hiệu lệnh nhắc nhở mỗi người dân có ý thức tự học và đôn đốc, nhắc nhở, tạo điều kiện cho con cháu trong gia đình được ngồi vào bàn để học tập.

Những ngày sau đó, được sự hưởng ứng tích cực của nhà chùa, sư thầy Thích Nguyên Trọng- Trụ trì chùa Sùng Trân đã duy trì thường xuyên, đều đặn tiếng chuông chùa cùng với tiếng trống thúc giục mọi người cùng nhau tự học, tạo lên phong trào có ý nghĩa lớn lan tỏa trong các cộng đồng dân cư toàn xã.

Mong muốn duy trì ổn định, lâu dài cách làm này, thầy Nghiệp đã tham mưu Chủ tịch UBND xã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập” thông qua “Tiếng trống học bài” gồm 23 thành viên, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo; bố trí các điểm đánh trống, người đánh trống và cả người theo dõi việc duy trì tiếng trống học bài theo quy chế đã đề ra.

Bên cạnh đó, đầu tư kinh phí in ấn tài liệu, sửa chữa hệ thống loa truyền thanh, phân công nhiệm vụ trực thường xuyên vào giờ đánh trống đối với các cán bộ đài truyền thanh của xã. UBND xã đã sửa chữa 4 trống cũ, mua bổ sung 3 bộ trống mới cho các điểm đánh trống tại các cụm dân cư nhằm đảm bảo ở mọi nơi trên địa bàn xã Phú Châu đều có thể nghe rõ được “Tiếng trống học bài”.

“Phong trào này đến nay vẫn còn duy trì và ngày càng mở rộng, tạo hiệu quả rõ rệt và hình thành sự tự giác trong mỗi gia đình. “Tiếng trống học bài” vào mỗi tối không chỉ tác động tích cực đến tinh thần tự học mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, xóm. Những tiếng ồn phát ra từ các bộ loa công suất lớn sau tiếng trống học bài hầu như không còn nữa. Hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập ngoài đường, nơi công cộng trong các buổi tối đã giảm hẳn. Các tệ nạn, tiêu cực xã hội liên quan tới thanh thiếu niên giảm đáng kể” – thầy Nghiệp vui mừng chia sẻ

Chủ tịch xã Dương Văn Hòa đã đánh giá rất cao và dành nhiều lời khen cho phong trào này:“Tôi cho rằng phong trào “Tiếng trống học bài” là chủ trương đúng đắn về đầu tư phát triền nhân tố con người, đây cũng chính là giải pháp giảm nghèo bền vững, phát triển an sinh xã hội, phù hợp với xu thể phát triển hiện nay. Ban đầu có khá nhiều người chưa hiểu ý nghĩa của phong trào này, hệ thống truyền thanh chưa đủ để phủ sóng và phải liên tục bổ sung. Tuy nhiên mọi người đã cùng nhau khắc phục và từng ngày phát triển”.

Hiện nay, cứ đến 19h30 phút hàng ngày, cùng với lời nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh là tiếng trống, tiếng chuông chùa lại ngân vang khắp toàn xã Phú Châu, “Tiếng trống học bài” đã nhắc nhở mỗi người dân cần phải học “Học, học nữa, học mãi”; “Học tập suốt đời”.

“Việc học” phải được tất cả mọi người trong gia đình quan tâm, ủng hộ, đầu tư thì mới có hiệu quả. Thông qua “Tiếng trống học bài”, mỗi người dân Phú Châu đều ý thức được việc học tập không chỉ là việc riêng của trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường mà là công việc của mỗi thành viên trong gia đình. Trong từng hoàn cảnh và yêu cầu công việc mà có các hình thức học tập, việc làm phù hợp khi nghe tiếng trống.

Những “trái ngọt” từ sáng tạo trong giáo dục

Với những cống hiến của mình cho địa phương nói riêng và ngành giáo dục nói chung trong 5 năm qua thầy đã nhận được nhiều bằng khen các cấp như: “ Gia đình CBVCLĐ Thủ đô tiêu biểu năm 2012”, “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2012 và còn rất nhiều thành tích trong ngành giáo dục khác.

Năm 2014, BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “vì thế hệ trẻ” về thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức Đoàn. Bên cạnh đó đích thân bí thư huyện uỷ Ba Vì tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” 10 năm liền.

Không chỉ trong học tập mà cả công tác Đội, các hoạt động phong trào của thiếu nhi thầy cũng luôn theo dõi sát sao.Bao nhiêu ước mong của người dân địa phương gửi gắm vào thầy với hi vọng ngôi trường sẽ đào tạo nhiều hơn nữa những lứa học sinh chăm ngoan học giỏi, góp sức mình vào xây dựng quê hương, đất nước.

Vì vậy, thầy luôn đặt ra yêu cầu cho bản thân cũng như cho các giáo viên khác; Trang bị cho mình về lối sống giản dị, ân tình và nghị lực phi thường trong khó khăn. Mỗi tấm gương sáng của thầy giáo, cô giáo, không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, ứng xử, trong quan hệ xã hội của mỗi người.

Trong các tiết dự giờ giáo viên, thầy luôn góp ý chân thành, thẳng thắn cho đồng nghiệp để giúp các bài giảng sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Qua đó, giúp học sinh nắm chắc những kiến thức cơ bản, hứng thú với bài học với tiết học…

Sau những năm tháng nhiệt tình trên trang giáo án và những trăn trở chuyên môn, tầm nhìn của người quản lý, lãnh đạo, thầy đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tập thể Trường THCS Phú Châu nhiều năm liền đạt thành tích tốt và Chi bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu.

Hình ảnh người giáo viên tận tụy với nghề, hết lòng vì sự nghiệp trồng người như thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp đã và đang làm sáng đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân trong thời đại mới, góp phần đưa chất lượng giáo dục nói chúng ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này