Phải tạo lớp người có trình độ chuyên môn giỏi

19:14 | 13/03/2018
Tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, chiều qua (12/03), tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
phai tao lop nguoi co trinh do chuyen mon gioi 5 lời khuyên giúp các ông chủ ‘giữ chân’ được nhân viên

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

phai tao lop nguoi co trinh do chuyen mon gioi
Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận phiên thảo luận. nh: QH

Do đó, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cho phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bao gồm các hiệp định song phương về hợp tác giáo dục, các hiệp định về công nhận văn bằng của Việt Nam với các nước, cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ giáo dục trong cam kết WTO và các hiệp định đa phương khác.

Trình bày báo cáo thẩm tra liên quan đến phạm vi sửa đổi, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cho rằng, qua quá trình thẩm tra Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hộị.

Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, trên cơ sở Hiến pháp 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW và thực trạng giáo dục của nước ta, trong thời gian tới chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ các nội dung quy định trong Luật để sửa đổi một cách toàn diện hơn.

Theo các đại biểu, mấu chốt sửa, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục phải đáp ứng 3 nhiệm vụ: Giáo dục tốt nhân cách cho học sinh; Đảm bảo phát huy tài năng và tính sáng tạo cho học sinh và xa hơn là tạo ra những công dân thế hệ toàn cầu hóa có đủ trình độ, nghiệp vụ, bản lĩnh để xây dựng đất nước phồn vinh.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính cho giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Hiến pháp 2013 quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí”. Như vậy, các trường tiểu học công lập sẽ không được thu học phí của học sinh.

Tuy nhiên, chính sách về cơ chế tài chính đối với các trường tiểu học ngoài công lập (tư thục, dân lập, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường phi lợi nhuận) lại chưa được đề cập. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trên thực tế, mức phí ở các trường tiểu học ngoài công lập thu hiện nay rất khác nhau. Do vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần quy định cụ thể vấn đề này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân đối lại các luận cứ của Tờ trình. Đồng thời, rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn một cách khoa học nhất.

N.Doăng- H.Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này