Hiệp định CPTPP: Để biến thách thức thành cơ hội

10:54 | 08/03/2018
Mặc dù không có Hoa Kỳ, tuy nhiên, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – được thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn được coi là một trong những Hiệp định thương mại tự do lớn nhất và kết thúc đám phán trong thời gian gần đây. Theo dự định, hôm nay 8/3, tại Chile, CPTPP sẽ chính thức được 11 nước thành viên ký kết.
tin nhap 20180308101712 Chỉ còn là thời gian
tin nhap 20180308101712 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ được ký kết vào tháng 3/2018

Cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam

Có thể nói, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, qua đó, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước có thị trường lớn, đồng thời giúp chúng ta cải cách thể chế nhà nước, thu hút vốn đầu tư... Tuy nhiên, những khó khăn từ CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam cũng không nhỏ, khi Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước thành viên tại thị trường trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa ngay từ “sân nhà”.

tin nhap 20180308101712
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều buổi trao đổi với các nước thành viên xung quanh việc quyết định thành lập Hiệp định CPTPP - thay thế Hiệp định TPP trước đó

Sau khi Mỹ gửi đơn chính thức rút khỏi TPP, 11 thành viên còn lại đã cùng nhau ngồi lại bàn đàm phán và giúp Hiệp định này hồi sinh dưới một cái tên mới – CPTPP. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Hiệp định CPTPP về cơ bản vẫn sẽ giữ nguyên nội dung đàm phán từ TPP, nhưng sẽ có thêm 2 nội dung mới bổ sung quy trình về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập và rà soát lại CPTPP trong tương lai.

Việc ký kết Hiệp định thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của 11 nước thành viên, đặc biệt là Nhật Bản nhằm kết thúc toàn diện đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và cân bằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định.

Đánh giá về những thuận lợi từ Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã từng nhận định, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị - đối ngoại, kinh tế. “Những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Việc Việt Nam tham gia CPTPP, cũng như các nước thành viên khác, Việt Nam không chỉ mở cửa mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.

Đưa ra quan điểm về những thuận lợi mà CPTPP mang lại, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, khi CPTPP được ký kết, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội từ CPTPP, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế từ bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế Nhà nước. Qua đó, dung hòa với các Hiệp định thương mại tự do khác mà chúng ta đã ký kết từ trước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Thách thức đến từ chính cơ hội

Từ những thuận lợi trên có thể thấy, Hiệp định CPTPP sẽ mạng lại lợi ích rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đến từ chính những cơ hội trên là không nhỏ. Thậm chí, khó khăn không chỉ đến với các doanh nghiệp (DN), mà ngay cả với chính người dân Việt Nam.

tin nhap 20180308101712
Bên lề Hội nghị cấp cao APEC, 11 nước thành viên còn lại từ TPP, thống nhất và đi đến quyết định thành lập Hiệp định CPTPP dựa trên những quy định và tiêu chí sẵn có từ TPP và mở rộng thêm một số nội quy mới

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đã cho thấy, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá. Và Hiệp định CPTPP cũng không phải là một ngoại lệ. Thuận lợi sẽ dành cho các ngành: Da giày, dệt may, thương mại điện tử…nhưng khó khăn cũng sẽ đến với các ngành chậm chạp trong đổi mới như: Mía đường, nông nghiệp và một số ngành vẫn còn đang được bảo hộ khác…

Trong khi đó, khó khăn đầu tiên dễ nhận thấy đó là sự rút lui của Hoa Kỳ khi không tham gia Hiệp định TPP. Về khó khăn này, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo từ các nước thành viên còn lại đều nhận định, đây là một sự thất bại đối với tiềm năng kinh tế. Bởi, nếu có Hoa Kỳ, tổng xuất khẩu của 12 nước thành viên sẽ đạt khoảng 26,6% thương mại toàn cầu, trong đó có khoảng 11,4% đến từ thương mại nội khối giữa các nước thành viên với nhau. Trong khi đó, không có Hoa Kỳ, tổng xuất khẩu của 11 nước còn lại giảm còn 15,2% thương mại toàn cầu và 2,3% đến từ nội khối.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, tác nhân khó khăn lại nằm ở những vấn đề rất chi tiết. Khối ASEAN có thỏa thuận tự do thương mại trong nội bộ với nhau và với Nhật Bản, trong khi đó, Canada không có thỏa thuận với bất cứ nước châu Á nào trong CPTPP. Do đó, Canada vẫn có thể hy vọng giành được lợi ích lớn từ Hiệp định này thông qua những cơ hội được đối xử ưu đãi mà các đối tác châu Á mang lại.

Ngoài ra, những hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà CPTPP mang lại như: Sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và kéo theo nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa. Đối với các DN dệt may, nếu không làm tốt có thể phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài, hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay trong thị trường nước nhà. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông nghiệp, Da giày, dệt may…sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc thực hiện các quy định CPTPP, khi họ phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tiểu chuẩn chất lượng, kỹ thuật…và đây trở thành thách thức không nhỏ với DN trong nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, để nắm bắt được những thuận lợi đến từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. “Bản thân cơ hội không biến thành lợi ích và đôi khi chính thách thức làm nên cơ hội. Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Do đó, việc tận dụng được đến đâu những lợi ích mà CPTPP mang lại phụ thuộc rất lớn vào những hành động của Nhà nước và sự chủ động của các DN” ông Phú nhận định.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này