Nỗ lực phát triển đời sống văn hóa cơ sở

10:45 | 08/03/2018
Mặc dù điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn song những năm qua TP Hà Nội đã luôn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận và hiệu ứng tích cực từ quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng với Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở.
no luc phat trien doi song van hoa co so Đề nghị Hà Nội kiểm tra, rà soát công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương
no luc phat trien doi song van hoa co so Sẽ có thêm 6 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Xây dựng đồng bộ, hiệu quả

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội vừa kết thúc khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2013 - 2017”. Qua khảo sát cho thấy, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn song Thành phố đã giành kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa tại tất cả các quận, huyện, thị xã để phục vụ nhân dân trên địa bàn.

no luc phat trien doi song van hoa co so
Đoàn khảo sát các thiết chế văn hóa tại quận Tây Hồ

Cụ thể, tính đến ngày 30/7/2017, có 23 thiết chế văn hóa, trong đó có 14 thiết chế văn hóa trực thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao; 03 thiết chế trực thuộc Thành đoàn Hà Nội; 02 thiết chế thuộc LĐLĐ Thành phố; 04 rạp chiếu phim thuộc Công ty TNHH MTV điện ảnh Hà Nội; Tất cả 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; cấp xã, phường, thị trấn có 112/584 xã có Trung tâm Văn hóa Thể thao, dự kiến đến năm 2020 đạt 181/584 Trung tâm văn hóa cấp xã; có 2.152/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố và quận, huyện cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tính từ năm 2013 đến nay Hà Nội đã đầu tư nâng cấp, cải tạo 32 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, quận, huyện. Đối với các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở (các thôn, làng, tổ dân phố) thì được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp bằng vật chất, ngày công lao động... Từ năm 2016, Thành phố có chủ trương yêu cầu các quận nội thành có điều kiện ngân sách thực hiện việc hỗ trợ xây dựng các Nhà văn hóa thôn, bản cho các xã vùng đồng bào dân tộc, khó khăn thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai.

Theo đánh giá của Đoàn khảo sát, TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa theo hướng đồng bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa đã được các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức: Pano, khẩu hiệu, hội thi, hội diễn, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục... đã tạo được sự đồng thuận và hiệu ứng tích cực từ quần chúng nhân dân.

Các cấp Thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ mọi mặt về cơ sở vật chất, con người, kinh phí hoạt động đến việc chỉ đạo, kiểm tra kế hoạch khai thác các thiết chế văn hóa hàng năm. Tại cấp xã, phường, thị trấn là nơi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt thể thao của xã, phường; cấp thôn, làng, tổ dân phố nhà văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, là nơi hội họp, bàn luận các công việc chung của làng của xóm, bước đầu đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân trong khu vực. Các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đều do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm phụ trách điều hành.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Tuy nhiên, theo Đoàn khảo sát, hiện vẫn số xã, phường, thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa. Nhiều nhà văn hoá có điện tích khuôn viên nhỏ, không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao lớn tại cơ sở (chủ yếu ở các quận nội đô). Trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều nhà văn hoá còn thiếu, chưa đồng bộ về chủng loại cũng như chất lượng; nhiều nơi không có ti vi, không đủ bàn ghế phục vụ hội họp. Tủ sách của nhà văn hoá đều được trang bị nhưng chủ yếu là tủ sách pháp luật; số lượng đầu sách ít, không được luân chuyển thường xuyên. Ở nhiều nơi, hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn thấp, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa thường xuyên hoặc hoạt động phong trào theo thời vụ…

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị với Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố, Trung tâm văn hóa - thể thao phường. Đồng thời, đề nghị Bộ Vãn hóa Thể thao và Du lịch xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn cho việc tổ chức quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao để tạo thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương. Ban hành văn bản hướng dẫn quy chế mẫu về tổ chức, hoạt động đối với Trung tâm Văn hóa Thể thao phường, nhà Văn hóa tổ dân phố.

Bên cạnh đó, Đoàn cũng đề nghị UBND Thành phố sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phương án khai thác xã hội hóa cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa Thể thao phường; xem xét ban hành Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ trên địa bàn TP Hà Nội; đề nghị có chính sách tạo nguồn kinh phí đa dạng, khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quỹ hoạt động văn hóa của các tổ chức quốc tế, các tình nguyện viên quốc tế tham gia vào việc hỗ trợ phát triển hoạt động ở các Trung tâm văn hóa, thể thao ở cơ sở; chú trọng việc xây dựng Quỹ phát triển văn hóa của thành phố và cấp huyện để hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cơ sở.

Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện phân cấp cho chính quyền cấp huyện quản lý, thực hiện kêu gọi xã hội hóa để đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân…

Các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cấp quận, huyện, phường, xã là điểm sinh hoạt chính trị, tuyên truyền, phổ biến các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở; là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; gắn kết các tầng lớp nhân dân; đáp ứng một phần nhu cầu cung cấp thông tin, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí của nhân dân. Mặc dù Thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả của các thiết chế văn rất cần sự chung tay của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng với Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này