Thêm góc nhìn về áo dài

12:44 | 02/03/2018
Áo dài, trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam, không chỉ đơn giản là thứ trang phục để mặc lên người mà còn trở thành một nét rất riêng trong tâm thức, linh hồn người Việt. Trải qua bao nhiêu năm tháng, sức sống của chiếc áo dài vẫn còn nguyên đó, minh chứng ngay ở sự hiển hiện của áo dài ở sân trường, ở trên mỗi chuyến bay, ở đấu trường sắc đẹp quốc tế, hay đơn giản là ngay trên đường phố mỗi dịp Tết đến xuân về.
them goc nhin ve ao dai Nhan sắc rạng rỡ của hai Hoa hậu Thế giới trong áo dài NTK Nhật Dũng
them goc nhin ve ao dai Họa tiết hoa chấm bi trên áo dài đốn tim phái nữ trong mùa xuân này
them goc nhin ve ao dai Áo dài Việt vươn ra biển lớn

Trước thềm Lễ hội Áo dài năm 2018, tôn vinh trang phục truyền thống dân tộc, Báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với Nhà thiết kế Nhật Dũng, người đã mang “hồn Việt” đi khắp thế giới bằng những thiết kế áo dài họa tiết non sông Việt Nam.

them goc nhin ve ao dai
Nhà thiết kế Nhật Dũng.

PV: Hình ảnh tà áo dài đã quá quen thuộc với mỗi người Việt nhưng không phải ai cũng có thể miêu tả chính xác bộ trang phục truyền thống này với bạn bè quốc tế. Anh có thể cho biết, áo dài là gì không?

NTK Nhật Dũng: Áo dài là một bộ trang phục được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến chân, dành cho cả nam và nữ nhưng được biết đến như trang phục cho nữ nhiều hơn. Về cấu tạo áo dài truyền thống, cổ áo cao khoảng 2-3 cm, ôm khít cổ, tạo hình chữ V trước cổ. Khuy áo thường dùng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi dọc xuống ngang hông.

Theo truyền thống, khuy áo dài ở phần thân trên được cố định tại 5 vị trí, vừa giúp chiếc áo dài được cố định ngay ngắn, vừa biểu tượng cho 5 đạo làm người của dân tộc Việt: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thân áo gồm 2 phần thân trước và thân sau. Cả 2 thân áo đều dài từ cổ xuống mắt cá chân, được may sát vào phom người. Tay áo dài, không có cầu vai, may kéo dài từ cổ áo đến cổ tay. Tà áo gồm 2 tà là tà trước và tà sau, xẻ từ ngang hông xuống dưới. Tuy nhiên, đây cũng là một “phiên bản” đã cách tân. Còn chiếc áo dài xưa có nguồn gốc và hình dáng thế nào, thì phải điểm qua từng thời kỳ nhé.

Áo dài đẹp đến vậy nhưng ngày nay, không ít chị em phụ nữ cảm thấy e ngại mỗi dịp phải diện chiếc áo dài truyền thống. Theo anh thì nguyên nhân có phải do kiểu dáng chưa giản tiện?

Người Việt Nam nên tự hào có một quốc phục đẹp, nổi tiếng thế giới. Việc sợ khi phải mặc áo dài đối với một số chị em là do họ chưa chọn lựa cho mình đúng chất liệu để dễ mặc và thiết kế mềm mại khi đến dịp lễ. Theo Nhật Dũng thì chất liệu áo dài quyết định đến 90% vẻ đẹp của áo. Sự dễ chịu khi mặc sẽ khiến cho người phụ nữ có một phong thái tự tin, thoải mái khi đi làm, đi giao tiếp. Kiểu dáng áo dài cũng là một điểm cốt yếu để người mặc cảm thấy yêu thích và tự tin với vẻ đẹp của mình. Tuy nhiên, nếu muốn diện áo dài truyền thống đúng bản chất của nó, ít cách tân, cách điệu mà vẫn đẹp, thì chất liệu luôn là điểm mấu chốt. Theo Nhật Dũng thì không phải áo dài khó mặc, mà vì nhiều chị em chưa biết cách chọn áo dài.

Những đổi mới có phần quá táo bạo của tà áo dài trong năm 2017 đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều nhà thiết kế đã bức xúc cho rằng: Chẳng khác nào “mắm tôm pha với ca cao”. Những thay đổi quá khác lạ so với áo dài truyền thống đã gây nên làn sóng phẫn nộ với những ai muốn gìn giữ vẻ đẹp nguyên bản của chiếc áo dài truyền thống. Theo anh, đâu là mâu thuẫn giữa những giá trị cũ và những thay đổi “cần có” của thời đại mới trong thời trang áo dài?

them goc nhin ve ao dai
Nhà thiết kế Nhật Dũng và Hoa hậu các nước trong áo dài truyền thống do anh thiết kế.

Là một nhà thiết kế áo dài, Nhật Dũng phân biệt rất rỏ ràng. Đã cách tân thì không gọi là áo dài truyền thống. Khi chiếc áo dài truyền thống được xuất hiện ở những lễ hội nó mang đậm nét văn hoá tôn lên giá tri bản sắc dân tộc, làm cho buổi lễ được trang trọng hơn. Còn áo dài cách điệu, cách tân là những chiếc “áo kiểu” may dài hơn áo bình thường, người xử dụng gọi “áo dài cách tân”.

Trào lưu gọi là “áo dài cách tân” năm 2017 chính tôi đã lên tiếng và phẫn nộ khi “áo kiểu” may dài và đáp ứng một số chị em phụ nữ lười mặc áo dài truyền thống để đối phó lại được gọi là “áo dài cách tân”. Là một Nhà thiết kế áo dài, tôi đã lên tiếng và mong muốn tất cả chúng ta nên phân biệt rất rõ ràng “áo kiểu” và “áo dài truyền thống”.

Năm 2018 là năm áo dài “Cô ba Sài Gòn” lên ngôi. Theo anh, áo dài Cô ba Sài Gòn có phải là áo dài cách tân không?.

Năm 2017, 2018, trào lưu áo dài “Cô ba Sài Gòn” đến như một cơn lốc. Việc này khiến tôi liên tưởng đến dự án Con đường gốm sứ năm 2009, được xây dựng và thiết kế để phục vụ cho đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các nghệ nhân đã đưa hình ảnh giá trị văn hóa của đất nước từ ngàn năm lưu lại vào những bức tranh gốm. Áo dài cũng vậy, luôn có sẵn giá trị truyền thống truyền lại chứ không phải nhờ “ăn may” vào hình ảnh Cô ba Sài Gòn.

Chẳng qua, đó chỉ là một trào lưu hay tên gọi qua các thời kỳ, giống như có thời người ta gọi là “áo dài Lệ Xuân” khi bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu đã thiết kế ra kiểu áo dài cách tân mới với phần cổ áo được bỏ đi, thay vào đó là cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét…Những di sản xưa để lại nếu như mỗi chúng ta biết giữ gìn nét đẹp truyền thống thì bản chất của nó vẫn thế, chỉ khác cách gọi.

Nổi tiếng là một nhà thiết kế với xu hướng đưa họa tiết non sông đất nước lên áo dài và mang hơi thở hiện đại lên từng thiết kế, năm nay, theo anh, loại áo dài nào sẽ thịnh hành?

Năm 2018 là năm đầy khởi sắc của thời trang Việt Nam, nhất là thời trang áo dài. Năm 2018 là năm của sắc mầu lên ngôi. Những chiếc áo dài được thiết kế theo xu hướng ô gạch bông hay kẻ sọc đã trở thành trào lưu. Và tiếp theo đó chất liệu nhung cũng lên ngôi cùng với những họa tiết hoa chấm bi, hoa li ti đủ sắc đỏ của hoa đào, vàng của hoa mai, tím của xứ huế… Những chiếc áo dài nhung mang màu sắc 3 miền lan tỏa khắp các con phố Hà Nội, hòa quện vào mùa xuân rực rỡ muôn sắc hoa.

Mầu tím, màu vàng, mầu đỏ là những mầu sắc thịnh hành trong dịp tết cũng như xu hướng năm 2018. Chất liệu tơ tằm hay tơ chéo cũng được sử dụng để làm nên một bộ áo dài nhẹ nhàng, thanh thoát khiến cho người mặc cảm thấy bay bổng, hạnh phúc. Ngoài ra, họa tiết thêu 3D cũng là một xu hướng được nhiều người lựa chọn. Áo dài thêu thủ công năm nay cũng lên ngôi, đặc biệt là áo dài thêu những chú công xòe cánh, những chú chó đáng yêu và hoa phối màu đối lập được các nhà thiết kế biến hóa cho thời trang áo dài thêm phong phú.

Cảm ơn Nhà thiết kế Nhật Dũng.

Bảo Thoa

(thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này