Đề xuất đấu giá biển số xe: Khi hành lang pháp lý... va nhau

12:45 | 02/03/2018
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương, giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng Thông tư liên tịch về đấu giá biển số xe. Theo Đề án, việc cấp biển số ô tô sẽ thông qua hình thức đấu giá. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, hoạt động này khó quản lý và thiếu khả thi vì chưa thống nhất được một số điều kiện liên quan đến pháp lý.
tin nhap 20180302122015 Xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc đấu giá biển số xe sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó dễ thấy nhất là hoạt động này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng tính minh bạch.

Theo Đề án, biển số ôtô đấu giá có thể chia thành 5 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba có 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư gồm số sau lớn hơn số trước. Nhóm thứ năm bao gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên. Ngoài ra, quá trình đấu giá để sở hữu biển số xe sẽ phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về đăng ký và quản lý xe.

tin nhap 20180302122015
Việc đấu giá biển số xe được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích

Theo khảo sát của PV, ngay sau khi Đề án được phổ biến rộng rãi trên truyền thông, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình bởi việc đấu giá biển số xe đánh trúng tâm lý và nhu cầu người dân. Thậm chí, không ít chủ xe, chủ các salon, showroom ô tô… còn khẳng định, nhu cầu chọn lựa, sở hữu biển số xe đẹp hiện nay là rất lớn. Một chủ salon Auto Hyundai trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) chuyên nhập khẩu các dòng xe ô tô hạng sang từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cho biết: Trung bình cứ 10 khách mua hàng thì phải có 3, 4 khách có nhu cầu tìm biển số đẹp.

Thậm chí, trong nhiều giao dịch với những khách đến mua các dòng xe nhập khẩu, trị giá hàng tỉ đồng, họ đều sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn hơn giá trị xe chỉ để sở hữu một biển số ưng ý. “Tôi thấy, nếu chọn lọc ra những biển số đẹp, đem đấu giá công khai là tốt nhất. Như thế, vừa góp phần đảm bảo nhu cầu lại vừa minh bạch tài chính” - chủ salon chia sẻ.

Ở góc độ tiếp cận khác, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án mặc dù phù hợp nhu cầu nhưng vẫn tồn tại nhiều quy định chưa hợp lý. Dễ thấy nhất là việc hạn chế trao đổi mua bán biển số sau khi sở hữu. Theo đó, để đảm bảo công tác quản lý, Bộ Công an đề xuất chủ trương, biển số phải đi cùng xe, cơ quan quản lý không cho phép chuyển nhượng biển số đẹp.

Anh Hà Sơn Bình (phường Phương Mai, quận Đống Đa) một chủ xe ô tô cho biết, nếu việc chuyển nhượng bị hạn chế sẽ là rào cản lớn khiến những người có nhu cầu ngần ngại đấu giá. “Tôi thấy, biển số được đấu giá, phải coi nó giống một tài sản và người sở hữu nó phải có các quyền theo Bộ luật Dân sự là: Quyền sở hữu, định đoạt, thậm chí là quyền thế chấp. Nếu được thế, giá trị sử dụng của biển số sẽ tăng lên. Nếu như trúng đấu giá nhưng lại không được quyền bán lại biển số xe thì tôi không đầu tư bỏ tiền để đấu giá làm gì cả…” – anh Bình chia sẻ.

Nên cân nhắc để đảm bảo tính khả thi

Theo tìm hiểu, việc đấu giá biển số xe đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng dự thảo quy định từ năm 2004. Sau đó được một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Nghệ An… áp dụng thử nghiệm. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến trái chiều nên việc đấu giá biển số xe chưa được áp dụng rộng rãi, phải tạm dừng lại. Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, đây là một trong những chủ chương hợp lý và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tại các quốc gia này, họ xem biển số là một loại tài sản đặc biệt mà người sở hữu nó có thể cho, tặng hoặc mua bán… nói cách khác, biển số không nhất thiết phải gắn liền với xe.

Trở lại câu chuyện đấu giá biển số xe gây xôn xao dư luận ít ngày gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ chủ trương hợp lý nhưng vẫn gây ra sự trái chiều trong dư luận là bởi chúng ta đã và đang thiếu những công cụ pháp lý để kiểm soát hiệu quả. Cụ thể ở đây là việc xác định biển số xe có phải là một loại tài sản hay không.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một khi biển số đã bán cho một cá nhân cụ thể thì nhiễm nhiên nó có tính đặc thù, là tài sản sở hữu riêng. Nếu là tài sản, thì chủ sở hữu hoàn toàn có quyền định đoạt sử dụng. Tuy nhiên, tại Nghị định 17 về đấu giá tài sản được ban hành vào tháng 3/2010 thay thế Nghị định 05/2005 vẫn chưa xác định đây là tài sản.

Đồng nhất quan điểm này, Bộ Công an cũng cho rằng biển số được cấp cho các loại xe nhằm thực hiện chức năng quản lý phương tiện nên không thể coi là tài sản. Dẫn như vậy để thấy rằng, để hành lang pháp lý không va nhau, rất có thể các cơ quan chức năng phải có sự điều chỉnh hoặc sửa đổi nghị định về đấu giá tài sản. Hoặc khi chưa sửa đổi thì cần có những văn bản, hướng dẫn cụ thể hơn để người dân hiểu và thực hiện.

Có thể thấy, chủ trương đấu giá biển số xe sẽ mang lại “lợi ích kép” là góp phần đảm bảo tính minh bạch trong việc cấp biển số xe, ngoài ra còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như tính khả thi, các cơ quan chức năng cần xem xét và có những sự điều chỉnh về hành lang pháp lý liên quan.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này