Đô thị Hà Nội: Song hành bảo tồn và phát triển

10:50 | 03/03/2018
Chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, đô thị Hà Nội đã có sự biến đổi chóng mặt thông qua sự thay đổi của kiến trúc những ngôi nhà nơi đây. Sự biến đổi này được thể hiện qua triển lãm nghệ thuật “Đô thị và ký ức” của nhà nghiên cứu, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm gợi mở cho người xem chiêm nghiệm về giá trị của Hà Nội, giá trị của những không gian văn hoá, không gian sống ấy liệu sẽ trở nên thế nào trong tương lai?
do thi ha noi song hanh bao ton va phat trien Lập phương án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội
do thi ha noi song hanh bao ton va phat trien Xây dựng Đô thị Bắc sông Hồng phát triển bền vững

Biến đổi chóng mặt

Những tác phẩm đầu tiên trong triển lãm 3 chiều này là ảnh chụp những ngôi nhà có mặt nhà quay ra phố dạng ống cao và hẹp (thường gọi là “nhà mặt phố”) – đặc trưng của Hà Nội và được xem như là một biểu tượng của sự giàu có. Với sự lên ngôi của nền kinh tế tư nhân, khái niệm “nhà mặt phố” bắt đầu xuất hiện và phát triển nhanh chóng kéo theo thời kỳ bê tông hoá đô thị. Những căn nhà hình ống mặt tiền nhỏ hẹp đua nhau xây dựng cao vút trở thành một hình ảnh phổ biến của đô thị Hà Nội với những tấm biển quảng cáo cỡ lớn.

do thi ha noi song hanh bao ton va phat trien
Người nước ngoài thích thú với triển lãm “Đô thị và ký ức” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn.

Các ký hiệu, biểu tượng, logo, chữ cái của biển quảng cáo càng to càng nổi càng ấn tượng càng tốt, mục đích là làm sao để nổi bật, thu hút nhất. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn, nguyên bản kiến trúc trước đây của “nhà mặt phố” đương đại chính là nhà ống cổ xưa với đặc trưng là chật hẹp nhưng không khí vẫn lưu thông, thiết kế khéo léo, hài hòa thân thiện với thiên nhiên, mái dốc, lợp ngói rất mát mẻ. Người Hà Nội xưa luôn tận dụng mọi khoảng không gian để đưa thiên nhiên vào nhà, giữa các gian nhà thường có 1 đến 2 khoảng sân tạo không gian thở.

Bên cạnh “nhà mặt phố” là “nhà Tây biến hình” với những bức ảnh chụp các ngôi biệt thự Pháp cổ đã được xây từ hơn 100 năm trước và những sự chuyển đổi của nó. Hà Nội thời đó có rất nhiều ngôi nhà mang kiến trúc của miền Nam nước Pháp với đặc điểm thanh thoát, tinh tế, gắn bó với thiên nhiên. Đối với những người Hà Nội xưa, việc sở hữu ngôi nhà Tây có ban công như mang lại một giá trị mới – giá trị cá nhân, giá trị của con người thị dân. Bởi trước đó, việc được đứng ở một tầm cao để nhìn ngắm đường phố là điều xa xỉ. Ngoài ban công, những dòng chữ đắp nổi tên gia chủ hoặc tên ngôi nhà trên trán nhà cũng được coi là dấu ấn về kiến trúc đô thị Hà Nội thời kỳ này.

Ví như ngôi nhà ở 68 Đào Duy Từ có tên là “Maison Yến Mỹ” của ông Nguyễn Đình Phẩm hay tiệm bán đồ vàng bạc trang sức Thành Mỹ ở số 18 phố Cửa Nam… Sau những thay đổi của thời cuộc, giờ đây, đi ngang qua những ngôi nhà Tây còn sót lại trên phố, người ta không khỏi xót xa khi những ngôi nhà di sản ngày càng xuống cấp bởi những cơi nới, đập phá. Trên những ban công hoa sắt xưa bị biến thành chuồng cọp, những khung nhôm kính quây tạm, phía ngoài treo lủng lẳng điều hoà đủ các loại còn ở dưới là những hàng quán chen nhau từng mét vuông.

Cuối cùng là hình ảnh về những khu tập thể cũ kỹ của Hà Nội thời bao cấp như Giảng Võ, Kim Liên, Thanh Xuân, Văn Chương… vốn là hình ảnh quen thuộc trong kí ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Mô hình nhà tập thể từng là biểu tượng cho cuộc sống mới, tiện nghi khép kín và kiến trúc nhân văn với không gian sinh hoạt cộng đồng, gần gũi. Sau này, để phục vụ nhu cầu của mình, những biến tấu của nhà tập thể bột phát từ người cư ngụ như cơi nới “chuồng cọp” là minh chứng của “cái khó ló cái khôn”. Còn giờ đây, các khu tập thể cũ có nguy cơ bị xoá sổ bởi những khu chung cư, toà nhà cao ốc. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những khu tập thể cũ kỹ này được bảo tồn, cải tạo trở thành bảo tàng lịch sử để lưu giữ những ký ức đô thị.

Cải tạo thành địa chỉ văn hóa

Không thể phủ nhận để kịp thích ứng với đời sống đương đại, những con phố, những căn nhà của đô thị Hà Nội cũng cần thay đổi với những diện mạo mới. Tuy nhiên, điều nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn lo lắng là sự biến mất của những giá trị văn hoá vốn đã tạo nên một Hà Nội rất riêng. Anh băn khoăn, với những ngôi nhà mặt phố trong đô thị Hà Nội, các yếu tố cá nhân phải nhường chỗ cho những lợi ích kinh tế, thay vì được đón ánh sáng và không khí thoáng đãng của tự nhiên thì con người hiện đại phải đánh đổi bằng ánh sáng của đèn nêon và gió của điều hoà. Mở cửa nền kinh tế đồng nghĩa với việc nhiều ô cửa sổ và ban công đã phải đóng lại.

Từng mét vuông mặt tiền giờ đều thành tiền mặt, và đục, phá, khoan cắt bê tông, và tiếp tục lên tầng…. Nhiều nhà cổ bị đập đi thay bằng những toà nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh tâm lý ích kỷ, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn, sự biến đổi theo chiều hướng xấu của những công trình kiến trúc văn hóa đô thị Hà Nội còn là nhận thức về vấn đề giữ gìn những giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống chưa tốt.

“Những kiến thức, thông tin tuyên truyền đến đúng đối tượng chưa thực sự nhiều và chưa được cụ thể. Cần trân trọng, giữ gìn những căn nhà kiến trúc cổ bằng cách cải tạo, khôi phục theo hướng trở thành những địa chỉ văn hoá du lịch để du khách, người dân, nhất là thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu.

Bên cạnh đó, các dự án xây dựng sau này đều phải đi đến điểm chung là đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Tôi tin rằng đến khi kinh tế - xã hội đã phát triển cao, mọi thứ đủ đầy, người ta lại tiếc nuối, hoài niệm và đau đáu đi tìm những ký ức thiêng liêng của một đô thị Hà Nội xưa” – nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này