Sóc Sơn:

Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp

18:07 | 01/03/2018
Sau 5 năm thực hiện Bộ Luật lao động (LĐ) và Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012, tình hình chấp hành pháp luật LĐ trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực thi pháp luật LĐ những năm gần đây trong các doanh nghiệp (DN) đã có nhiều mặt thực hiện tốt hơn so với trước. 
thuc hien hieu qua chinh sach phap luat ve lao dong trong cac doanh nghiep
Ảnh minh họa

Tình hình quan hệ LĐ tương đối ổn định, ít xảy ra các tranh chấp LĐ lớn dẫn đến đình công. Nhiều DN đã thực sự quan tâm thực hiện tốt các chính sách LĐ với những thỏa thuận có lợi hơn cho người LĐ như tiền lương, tiền thưởng, định mức LĐ, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hộ LĐ, các chính sách đối với người LĐ nữ… Qua đó, cơ bản tạo được mối quan hệ LĐ hài hòa với người LĐ cũng như có quan hệ tốt với tổ chức CĐ.

Trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của liên ngành thành phố, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐLĐ, BHXH, chi cục thuế, công an huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người LĐ, thực hiện công tác an toàn vệ sinh LĐ, phòng chống cháy nổ tại các DN trên địa bàn huyện.

Thông qua công tác kiểm tra đã nhắc nhở các đơn vị tổ chức thực hiện giao kết hợp đồng với người LĐ, khắc phục những thiếu sót về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm LĐ đối với người LĐ. Do đó, đã hạn chế được tình trạng tranh chấp về LĐ trên địa bàn.

Theo ông Đặng Đình Trung (Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn), trong năm 2018, để chủ động hoàn thiện môi trường pháp lý và việc chấp hành pháp luật LĐ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trên cơ sở thực hiện quan hệ LĐ hài hòa, ổn định giữa người LĐ và người sử dụng, đồng thời bảo đảm ổn định môi trường đầu tư và trật tự xã hội cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người LĐ và người sử dụng LĐ trong các DN, đặc biệt là việc tuyên truyền bộ luật Hình sự, Luật BHXH để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật LĐ của người sử dụng LĐ.

Hướng dẫn các DN xây dựng thỏa ước LĐ tập thể và nội quy LĐ để tiến hành ký kết thỏa ước LĐ tập thể đăng ký với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, xây dựng và đăng ký thang bảng lương theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, vận động các DN thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và tổ chức đoàn thể nhân dân trong các DN theo tinh thần Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 27/2/2012 của Ban thường vụ Thành ủy. Từ đó, tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ và vào cuộc của tổ chức Đảng khi có tranh chấp LĐ xảy ra.

Hàng năm tiến hành khảo sát tình hình DN và CNLĐ, xây dựng kế hoạch thành lập tổ chức CĐ trong DN có đủ điều kiện theo Luật định, tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động công nhân tham gia vào tổ chức CĐ đi đôi với công tác thành lập tổ chức CĐ và phát triển đoàn viên.

Tăng cường công tác củng cố, kiện toàn và xây dựng CĐCS vững mạnh để tổ chức CĐ thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, LĐ, được chủ CNLĐ và chủ DN tin tưởng; từ đó tích cực tham gia hoạt động và tạo điều kiện cho CĐCS phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trong DN.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm đại diện cho người LĐ của tổ chức CĐ tại các DN, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ trong các DN; nâng cao năng lực hoạt động, kỹ năng đàm phán, thương lượng cho cán bộ CĐ trong DN nhằm bảo đảm vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người LĐ.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này