Khi bạo lực “tiến vào” bệnh viện

14:03 | 01/03/2018
Chưa bao giờ, vấn nạn bạo hành nhân viên ngành y tế lại nóng như thời gian gần đây, chỉ từ đầu năm 2018 đến nay đã có 4 vụ hành hung y, bác sĩ. Nghiêm trọng nhất là vụ 2 bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị người nhà bệnh nhân đánh chảy máu đầu, một lần nữa khiến những người làm nghề y thêm ám ảnh, kinh hoàng…
khi bao luc tien vao benh vien Bác sĩ kể chuyện trực Tết

Đã chọn nghề y thì hiếm có y, bác sĩ nào không một lần đón tết Nguyên Đán ở bệnh viện. Với các bác sĩ trực tết, chuyện “mất” giao thừa vì cứu bệnh nhân không còn xa lạ, nhất là bác sĩ trực cấp cứu. Có những ca cấp cứu, khi bác sĩ xong việc ngẩng mặt lên nhìn đồng hồ thì đã qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rất lâu rồi.

Trong một bài phát biểu với báo chí vào cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng thốt lên: “Ngành y tế đang gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung bác sĩ”. Bộ tư lệnh ngành cho rằng, dù đã triển khai rất nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành không những giảm mà còn gia tăng.

Đầu tiên là vụ bác sĩ Nguyễn Thị Thủy (Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng), trong lúc đang khâu vết thương cho bệnh nhân, bỗng bị một thanh niên xông vào đánh. Hậu quả là bác sĩ Thủy bị thủng màng nhĩ. Tiếp đến là điều dưỡng Nguyễn Thị Dung, thuộc Khoa khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Yên Thế, Bắc Giang), bị người nhà của bệnh nhân hành hung phải nằm viện.

khi bao luc tien vao benh vien
Ảnh minh họa.

Vô lý nhất là vụ việc xảy ra ngày 20/2 (mùng 5 Tết), 2 bác sĩ Sản - Nhi ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị một nhóm người nhà và bạn bè bệnh nhân tấn công khi đang làm nhiệm vụ chỉ vì nhắc nhờ người nhà bệnh nhân không được trèo lên lan can quay phim, chụp ảnh cảnh phẫu thuật.

Cả 2 bác sĩ trên đã phải nhập viện cấp cứu và trong số 2 bác sĩ bị đánh có một người phải khâu 20 mũi ở vùng đầu, mặt. Đáng chú ý, dù Bệnh viện đã gọi bảo vệ đến can thiệp, nhưng nhóm người nhà bệnh nhân vẫn còn hung hăng tiếp tục đuổi đánh cả bảo vệ bệnh viện.

Mới đây nhất, lại một vụ hành hung bác sĩ xảy ra tối 25/2, khi một nhóm côn đồ 5 người kéo đến đập phá và đuổi đánh các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Theo thông tin từ bệnh viện, trong ngày hôm đó khoa trực Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Bó Trạch tiếp nhận 2 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch.

Mặc dù các bác sĩ bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu nhưng cả 2 bệnh nhân đều ngưng thở, xác định nạn nhân đã tử vong trước đó. Mặc dù đã lựa lời giải thích nhưng nhóm côn đồ đưa nạn nhân đi cấp cứu đã liên tục la hét, đập vỡ các cửa kính trong bệnh viện. Manh động và nguy hiểm hơn, nhóm đối tượng này còn lớn tiếng thóa mạ, chửi bới và đuổi đánh các y, bác sĩ trong ca trực.

khi bao luc tien vao benh vien
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đến thăm hỏi các bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.

Như vậy, các vụ hành hung bác sĩ đã được báo chí, truyền thông lên tiếng nhiều, pháp luật cũng xử lý răn đe nhưng về mức độ, cường độ và quy mô những vụ bạo hanh vẫn còn tăng. Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề bạo hành trong ngành y là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân.

Đối tượng hành hung nhân viên y tế không chỉ là những côn đồ “xăm trổ”, “đầu gấu” mà còn có cả những “doanh nhân tiêu biểu” những người được coi là có học thức. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một bộ phận nhỏ y, bác sĩ còn có thái độ ứng xử chưa đúng mực và linh hoạt, dẫn đến những bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Trưởng bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội, kiêm Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trong một sự việc xảy ra, nó luôn có nguyên nhân đến từ hai phía và với câu chuyện hành hung bác sĩ cũng vậy. Một phần do người nhà bệnh nhân hiểu nhầm, hoặc do họ quá bức xúc. Cũng có nhiều bệnh nhân được đưa đến điều trị quá muộn, nên bác sĩ cũng bất lực nhưng họ lại đổ lỗi do bác sĩ.

Khi đó người gây sự không kiềm chế được bản thân nhưng đó cũng chính là cái sai của họ. Nhưng một phần, chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn nhận là một số ít y, bác sĩ làm việc chưa nghiêm túc. Thế nhưng đất nước nào cũng có luật pháp, đánh người dù ở đâu cũng là sai trái, và việc người nhà bệnh nhân xông vào tận bệnh viện hành hung bác sĩ càng sai trái hơn.

Vì vậy, để xử lý triệt để vấn đề trên, ngoài sự thay đổi tích cực của các nhân viên y tế, chúng ta cần xử lý nghiêm những người vi phạm để lấy đó làm gương, từ đó giúp người dân nhận thức ra được vấn đề này.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề người nhà bệnh nhân hay quay video, chụp ảnh y, bác sĩ khi họ cảm thấy không hài lòng về thái độ phục vụ, bác sĩ Huy cho rằng đó chính là ở cách cư xử của mỗi người. Bởi vì, hiện nay các bệnh viện chưa có quy định về việc cấm sử dụng điện thoại quay phim, chụp ảnh.

Nhưng khám bệnh là việc riêng tư, nên chúng ta không nên thực hiện những hành động đó. Và trước tiên, về nguyên tắc cần có sự đồng ý của đối phương trước khi quay phim, chụp ảnh. “Thực tế, bác sĩ cũng cần có những hình ảnh của bệnh nhân để làm tư liệu.

Nhưng trước khi ghi lại, chúng tôi luôn phải xin sự đồng ý của bệnh nhân mới được chụp. Đối với một số trường hợp chúng tôi còn phải che mặt bệnh nhân. Nhưng nếu xét cho cùng, dù có luật hay quy định mà người dân không nhận thức đúng, không hiểu rõ thì vấn đề không bao giờ được giải quyết. Chúng ta nên sống giàu có trong văn minh chứ đừng sống vô văn hóa trong giàu có”, bác sĩ Huy nhấn mạnh.

Mong muốn chung của các nhân viên y tế hiện nay là được làm việc dưới sự bảo vệ của pháp luật một cách nghiêm minh thì mới yên tâm làm việc được. Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế trong thời gian qua số đối tượng bị xử lý hình sự còn quá hiếm hoi. Vì thế tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật còn chưa được thể hiện rõ. Đặc biệt, nguồn gốc của vấn đề là nhận thức về quan hệ giữa người với người.

Do đó, nếu muốn thay đổi đòi hỏi phải thay đổi từ gốc, đòi hỏi toàn bộ xã hội phải vào cuộc chứ không riêng gì ngành y tế hay công an. Bởi lẽ, hậu quả là ở thời điểm hiện tại, cách duy nhất để tự bảo vệ mình của các y, bác sĩ là “phòng thủ”, làm chặt chẽ quý trình nhất có thể, như làm đầy đủ các xét nghiệm, tiến hành các hội chẩn, nhiều công tác theo đúng quy trình…để tránh bị tiếng là “tạo lửa”, giảm nguy cơ bị người nhà bệnh nhân tấn công. Và khi đó, người cuối cùng chịu thiệt sẽ chính là bệnh nhân.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này