Xuân về trên quê hương xứ Lạng

14:24 | 27/02/2018
Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, dù ở phương trời nào thì mọi người con xứ Lạng đều trở về quê hương để đoàn tụ, sum vầy cùng cùng gia đình, người thân để cùng nhau ngân nga dăm ba câu hát then, cùng hòa mình vào những lễ hội truyền thống và cạn với nhau chén rượu đầu năm.
xuan ve tren que huong xu lang Trải nghiệm các trò chơi dân gian tại lễ hội Cổ Loa
xuan ve tren que huong xu lang Hàng vạn du khách về dự lễ hội Cổ Loa
xuan ve tren que huong xu lang Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội đầu năm tại Nam Định

Rộn ràng không khí đón xuân

Đến với Lạng Sơn dịp cuối năm, khi mà cái rét của sương muối thấm vào da thịt làm tê dại, cảm tưởng như có một vật gì đó vô tình chạm nhẹ là đã xước da, chảy máu; chứng kiến mùa đông nơi đây, khắp nơi như được bao phủ bởi những làn sương dày đặc làm cho tiết trời ẩm ướt, khó chịu. Rồi, đến những ngày trời chuyển mùa sang xuân, xứ Lạng lại ngập tràn nắng ấm, những tia nắng mai lan ngấm thấm tràn xua tan đi làn sương lạnh buốt, làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, những dải hoa đào chớm nở những nụ hồng, tô màu cho cả một khoảng đồi… Lúc đó, người ta mới cảm nhận được sự đổi thay của đất trời xứ Lạng đang chuyển mình sang xuân.

Những thay đổi của đất trời đó chính là sự báo hiệu cho những người con xứ Lạng biết rằng tết sắp đến, xuân đang về trên quê hương, xứ sở.Lúc này, người dân xứ Lạng bắt đầu vỗ béo cho vật nuôi như lợn, gà, treo thịt trâu gác bếp và chuẩn bị các nguyên liệu để làm những món ăn truyền thống để sử dụng trong ngày tết. Họ cũng tự mình may những bộ quần áo mới nhiều màu sắc để diện trong dịp tết, dọn dẹp nhà cửa khang trang hơn, ấm cùng hơn để đón lộc xuân vào nhà. Vào thời điểm này, không khí náo nức, nhộn nhịp bắt đầu lan tỏa khắp các xóm làng và trên gương mặt từng người con xứ Lạng đều lộ rõ vẻ tươi vui, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống.

xuan ve tren que huong xu lang
Lễ hội chùa Tân Thanh là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách đến với mảnh đất xứ Lạng dịp đầu xuân.

Những ngày tết đến, xuân về trên quê hương xứ Lạng luôn rộn ràng bởi đây là vùng đất nổi tiếng về văn hóa phi vật thể với sự đa dạng, phong phú về các lễ hội mang đậm màu sắc bản địa của các dân tộc anh em gắn bó, chung sống hòa hợp, lâu đời, mà nổi bật là không gian văn hóa Tày – Nùng. Các lễ hội ở Lạng Sơn đều gắn với truyền thống tâm linh bởi họ luôn coi trọng tín ngưỡng tâm linh, hướng niềm tin vào tổ tiên, thần linh. Tại các lễ hội trong dịp Tết đến, xuân về, người Lạng Sơn thường cầu cho một năm mới hạnh phúc và bình an, làm ăn phát tài, phát lộc.

Để chuẩn bị cho những lễ hội ngày xuân, khắp các thôn xóm, bản làng, từ các tổ chức của địa phương đến các câu lạc bộ, các hội tự lập đều lên chương trình tập luyện múa, hát để góp vui trong ngày hội. Ở xứ Lạng, lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch là lễ hội đầu tiên trong năm được tổ chức với quy mô cấp huyện, thu hút hàng vạn khách trong nước và du khách quốc tế đến tham quan, dâng nén hương với lòng thành kính để cầu may, cầu phúc, cầu tài, cầu cho một năm mới thuận hòa, bình an. Ngoài ra, lễ hội tại chùa Bắc Nga hằng năm cũng thu hút hàng chục nghìn khách thập phương đến tụ hội, hòa mình vào các trò chơi dân gian và cùng thưởng thức đặc sản lợn quay nức tiếng gần xa.

Bên cạnh đó, mảnh đất xứ Lạng còn có nhiều lễ hội lớn như: lễ hội chùa Tân Thanh, lễ hội xuống đồng Nàng Tô Thị, lễ hội Đền Tả Phủ, lễ hội Đền Kỳ Cùng, lễ hội Chùa Tiên… Đến với mỗi lễ hội, du khách đều được chứng kiến và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa như: xem các bậc cao niên phục dựng lễ tế thổ thần, thổ địa; thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao…; xem múa sư tử, biểu diễn võ dân tộc; được tham gia chơi trò chơi, diễn xướng dân gian cùng nhiều hoạt động thi đấu thể dục, thể thao và thưởng thức văn hóa ẩm thực xứ Lạng.

Chén rượu ngày tết, ấm tình xứ Lạng

Không khí tết ở Lạng Sơn không chỉ đến từ các lễ hội mà còn hiện hữu ngay trong mỗi gia đình và mỗi người con xứ Lạng. Vậy nên, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về là những người con xứ Lạng ở mọi miền tổ quốc đều trở về quê hương để sum họp bên những người thân thương vì tình cảm dân tộc, tình yêu gia đình đã thấm sâu và luôn rần rật chảy trong huyết quản của mỗi người.

Ngày tết, người xứ Lạng trao nhau tình cảm chân thành qua những câu chúc, qua lời ca, tiếng hát và cả trong chén rượu Mẫu Sơn còn ấm hơi men.Chén rượu đầu năm được những người con xứ Lạng trao cho nhau luôn chứa đựng nhiều điều may mắn, gửi trọn tình cảm của con cháu, bạn bè, anh em cho những người thân yêu của mình. Đặc biệt, trong chén rượu mà người dân xứ Lạng trao nhau có cả tấm lòng, sự tôn trọng của con cháu với những người lớn tuổi. Chẳng thế mà, những vị trưởng dòng họ và chủ nhà luôn được mọi người chúc tết trước, sau đó mới đến các thành viên khác. Nhờ thế, dù gia đình đông con nhiều cháu nhưng mọi người vẫn nhớ được vai vế, thứ tự họ hàng.

Giá trị của chén rượu Mẫu Sơn trong những ngày tết đến, xuân về đối với người con xứ Lạng không chỉ là xua đi cái lạnh giá của miền sơn cước, đem lại sự ấm áp cho cả thân thể lẫn tâm hồn mà đã trở thành giá trị văn hóa kết nối tâm hồn con người. Để mỗi người con xứ Lạng dù đi đâu cũng luôn nhớ về quê hương, gia đình và trở về quây quần, sum họp với những người thân yêu vào mỗi dịp trời đất chuyển mình sang xuân.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này