Nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí

21:03 | 17/02/2018
Trong một hoạt động mới đây, Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (Change) đã thông tin, khí thải từ nhiệt điện than không chỉ gây biến đổi khí hậu, mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn đến cái chết của 800.000 người trên toàn thế giới mỗi năm.
tin nhap 20180217174802 Gặp gỡ “Người phụ nữ quyền lực" trong việc chống biến đổi khí hậu
tin nhap 20180217174802 Sứ mệnh đặc biệt vì môi trường

Bụi siêu nhỏ PM2.5 trong khí thải của nhiệt điện than có thể bay xa hàng trăm km, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chất lượng đất và mùa màng ở nhiều nơi. Những hạt bụi siêu nhỏ này vào phổi sẽ gây ra nhiều bệnh: Phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi; thâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu.

tin nhap 20180217174802
Khí thải của nhiệt điện than có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Ngoài ra, các chất hóa học là sản phẩm từ quá trình đốt than như: Kim loại, khí ozon khi phản ứng với các phân tử khác trong không khí dưới điều kiện ánh sáng mặt trời tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở; lâu dần sẽ dẫn đến bệnh hen suyễn, viêm phổi mãn tính.

Theo Change, điều đáng lo ngại là khi toàn thế giới đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo để ứng phó với cuộc chiến với biến đổi khí hậu thì Việt Nam hiện có trên 20 nhà máy nhiệt điện than phân bổ cả nước. Trong những năm tới sẽ có thêm nhà máy mới được xây dựng, tập trung chủ yếu ở các vùng ven biển, ven sông, ngay tại khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long... gây tác động lớn đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế trên, tổ chức Change đã cùng với những tổ chức môi trường quốc tế hàng đầu đại diện cho 896.341 người dân từ nhiều quốc gia ký vào một thư ngỏ kêu gọi những ngân hàng chủ chốt của Singapore bao gồm ngân hàng DBS, OCBC và UOB chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao tại khu vực Đông Nam Á và cùng hành động vì khí hậu.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2018, ngân hàng DBS đã kín đáo đưa ra một chính sách về khí hậu mới cho phép ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ 7 nhà máy nhiệt điện than tiềm năng tại Việt Nam và Indonesia. Dự báo phát thải của những dự án trên là khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong toàn bộ quá trình hoạt động, tương đương với lượng phát thải của cả đất nước Singapore trong 30 năm. Đồng thời, sự tham gia của ngân hàng DBS trong việc mở rộng ngành công nhiệp năng lượng than đá cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Trước vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Change cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đây mới là tương lai của đất nước chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ, đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ.

Ông Hindun Mulaika, Trưởng nhóm Chiến dịch Khí hậu và Năng Lượng, Greenpeace Đông Nam Á - Indonesia cũng thông tin, ngân hàng DBS đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án năng lượng gây ô nhiễm và tranh cãi tại Indonesia, trong đó có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Paiton 3 và Trung Java. Theo ông Hindun Mulaika, ngân hàng DBS nên cam kết đóng góp cho một tương lai lành mạnh của khu vực, bằng cách dừng việc cấp tài chính cho ngành than đá và nên đầu tư vào năng lượng sạch.

M.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này