Chuyển mình nơi đất khó

17:29 | 17/02/2018
Tôi lên Cao Bằng đã mấy lần, vậy mà mỗi dịp ghé thăm lại một lần ngạc nhiên về sự đổi khác của vùng đất này. Lần này cũng vậy, tôi tò mò ngược các cung đường quanh co mong có thể tận tai nghe được những câu chuyện lạ kỳ bên chân đèo Mã Phục, thấy được người con dân tộc Tày, Nùng cần cù chinh phục đất cằn thành một dải trù phú...
chuyen minh noi dat kho Những bước "chuyển mình" tích cực
chuyen minh noi dat kho Đô thị Hà Nội: Bước chuyển mình mạnh mẽ
chuyen minh noi dat kho “Ngất ngây” bước đi trên những con đường đẹp nhất thế giới

Huyền tích lạ về đèo Mã Phục

Vượt quãng đường gần 40km qua đèo Mã Phục, trong tiết trời se lạnh, xe chúng tôi leo lên đèo. Đường dốc quanh co, ngoằn nghèo, một bên là núi một bên là vực sâu thăm thẳm, sương mù trắng xóa bao phủ làm con đèo tựa như dải lụa mỏng bồng bềnh trôi trong mây.

Nghe nói, đèo Mã Phục dài 3,5 km, cao khoảng 700m so với mực nước biển. Đèo quanh co, uốn lượn. Từ chân đèo lên đến đỉnh tính ra có đến 7 tầng dốc gấp khúc. Người trong vùng thường bảo, không một con đèo nào lại đặc biệt như đèo Mã Phục. Ngoài địa thế là thông lộ độc đạo, cửa ngõ đi các huyện phía đông của Cao Bằng (gồm Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh - PV) thì nơi đây lại càng “lạ” hơn bởi câu chuyện gắn với thủ lĩnh Nùng Chí Cao.

chuyen minh noi dat kho
Một góc đèo Mã Phục. Ảnh: Nông Lưu Vĩnh

Tích xưa kể lại rằng, giữa thế kỷ 11 có chàng trai người Tày tên là Nùng Chí Cao, con của một thủ lĩnh địa phương vốn rất tài giỏi. Khi giặc phương Bắc kéo xuống xâm lược bờ cõi, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân đứng lên dẹp giặc cứu nước, trả lại sự bình yên cho nhân dân vùng biên Đông Bắc.

Khi bờ cõi được yên ổn, Nùng Chí Cao trong lần cưỡi ngựa đi tuần tra biên giới phía Bắc trở về đã băng qua một thung lũng rộng lớn. Khi Cao đến giữa thung lũng thì ở phía những đỉnh núi lại xuất hiện tiên vẫy gọi, nhưng chàng không vì thế mà dừng ngựa.

Về đến địa phận thuộc xã Quốc Toản ngày nay thì Nùng Chí Cao gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt. Chiến mã của Cao không thể đi tiếp được nữa liền khụy xuống. Cái tên đèo Mã Phục (ngựa quỳ) có từ đó. Riêng thung lũng nơi có tiên vẫy gọi Nùng Chí Cao được dân đặt tên là Lũng Riệc (nghĩa là thung lũng vẫy gọi), còn vùng dưới chân đèo Mã Phục được gọi là Lũng Rặp (thung lũng đón tiếp người anh hùng trở về).

chuyen minh noi dat kho
Bằng sự cần cù của mình, những người con dân tộc Tày, Nùng đang từng ngày biến những dải đất Cao Bằng thành nơi trù phú. Ảnh: Nông Lưu Vĩnh

Không rõ câu chuyện về Nùng Chí Cao mà người dân thường kể đúng bao nhiêu phần, duy có điều chắc chắn rằng, nay khu vực này đã trở nên sầm uất hơn hẳn 5 năm trước. Đỉnh đèo trở thành nơi họp chợ, trung tâm buôn bán sầm uất của cả khu vực. Chợ thường họp vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28.

Nhắc chuyện này, một người dân trong vùng bảo, tuy chợ không được khang trang như những nơi khác nhưng hễ đến phiên, khách du lịch ngoài việc ghé thăm để đáp ứng thú mua thổ sản làm quà còn được nghe tường tận về Nùng Chí Cao, về huyền tích quanh đèo Mã Phục bên chén rượu ngô đãi khách thơm nồng.

Phát triển nghề truyền thống

Có một chuyện “lạ” không giống với những vùng miền khác mà người viết ghi nhận được ở Quảng Uyên là, hầu hết các làng nghề thủ công truyền thống đều tập trung theo từng nhóm dân tộc.

Chẳng hạn, làng nghề rèn sắt, đúc gang, trồng bông dệt vải thì ở Phúc Sen; làm ngói máng, đan lát mây tre ở Canh Man (Chí Thảo), Lũng Rì, Lũng Cát (Tự Do); đan nón lá ở Lạc Diễn (Hồng Định), Bản Phảng (Tự Do); nghề làm giấy dó tại Lũng Rì, Lũng Ỏ (Tự Do); làm hương tại Phja Thắp (Quốc Dân). Và mỗi sản phẩm ở những nơi đó lại thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của mỗi dân tộc.

chuyen minh noi dat kho
Phơi hương tại làng nghề Phja Thắp. Ảnh: Đinh Luyện

Minh chứng dễ thấy nhất là làng làm hương Phja Thắp của người Nùng an ở xã Quốc Dân. Ở Phja Thắp tất thảy chỉ vỏn vẹn 51 hộ dân nhưng các nhà đều tham gia vào các khâu đoạn làm hương. Thời điểm này, người dân Phja Thắp đang hối hả làm hương phục vụ nhu cầu dịp lễ, tết. Bước chân qua cổng làng, chúng tôi cảm nhận ngay được mùi hương thơm ngạt ngào, thanh tao lan tỏa khắp không gian.

Khi hỏi về lịch sử của nghề truyền thống làm hương trầm, người dân lại cho rằng nghề này không hề có “tổ làng”. Đáng chú ý, nguyên liệu làm nên những que hương ở Phja Thắp hoàn toàn tự nhiên từ cây Thông Mộc, Trầm Hương, Que Mai… Sản phẩm hương trầm Phja Thắp làm ra được tiêu thụ khắp các chốn chợ phiên trong tỉnh. Nhờ làm hương, các hộ gia đình gia đình trong vùng cũng có kinh tế ổn định hơn nhiều địa phương khác.

Tiếp tục hành trình, tôi lại ngược đường tìm đến xã Phúc Sen. Phúc Sen được khắp gần xa Cao Bằng biết đến là nơi triển khai thành công chủ trương “3 nhiều” (gồm Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề - PV) giúp đánh đuổi “bóng ma” đói nghèo. Bởi vậy, từng có thời điểm, bình quân lương thực đầu người của xã đạt trên 725 kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,9%, trung bình giảm 4 - 5%/năm.

chuyen minh noi dat kho
Một góc của làng nghề truyền thống Phúc Sen. Ảnh: Đinh Luyện

Hiện các ngành nghề truyền thống của Phúc Sen như: rèn, dệt vải, đan lát… đặc biệt được chú trọng phát triển. Nói riêng về nghề rèn, theo nhẩm tính cả xã hiện có hơn 157 lò rèn, 2 hợp tác xã rèn, hằng năm sản xuất hàng vạn nông cụ. Ngay như “xóm công nghiệp không khói” Pác Rằng có 60 hộ, ngoài làm nông nghiệp, du lịch, thì 100% hộ đều gắn bó nghề rèn truyền thống.

Một chủ một lò rèn có kinh nghiệm nhẩm tính, nếu trung bình mỗi lò sản xuất được 8 sản phẩm/ngày, với giá bán lẻ từ 100 - 150 nghìn đồng/sản phẩm, trừ chi phí, mỗi lò thu về trên 300 nghìn đồng/ngày. Mức thu nhập này đủ để những người làm nghề “sống khỏe” và làm giàu. Theo tìm hiểu hiện các sản phẩm rèn của Phúc Sen đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng lựa chọn vì giá thành hợp lý, độ bền cao.

Trong hương xuân xen lẫn lời thơ dặt dìu “Mời anh lên Cao Bằng quê em, lên đèo Khau Liêu qua đèo Mã Phục, vượt qua rừng vầu, xuyên qua rừng trúc, như bầy ong, như bầy chim...” đã được phổ thành ca khúc của nhà thơ Y Phương, người viết như được trải nghiệm “ngày mới” trên đất Quảng Uyên. Chợt nghĩ, phải chăng chính sự táo bạo giữ nghề truyền thống trong guồng quay hiện đại đã và đang giúp vùng quê nghèo nơi núi đá này khởi sắc, đánh đuổi đói nghèo?

Đinh Luyện - Nông Vĩnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này