Quà Tết của CNLĐ: Giản dị mà thắm tình

08:01 | 17/02/2018
Háo hức mong chờ rồi cũng đến lúc các CNLĐ được tạm rời phân xưởng, nhà trọ để về quê vui Tết đoàn viên. Không thể thiếu trong hành trang trở về của công nhân là những món quà Tết dành cho người thân mà họ đã cất công lựa chọn và mua bằng tiền chắt chịu, dành dụm trong cả năm trời…
qua tet cua cnld gian di ma tham tinh Giản dị, thắm tình quê hương, gia đình
qua tet cua cnld gian di ma tham tinh Giản dị quà Tết công nhân

Của ít, lòng nhiều

Gặp Thu Hằng- công nhân Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific ở lễ tiễn công nhân về quê ăn Tết do LĐLĐ Thành phố và Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội tổ chức, tại địa điểm số 3 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội, thấy cô xách theo lỉnh kỉnh túi lớn, túi nhỏ hành lý.

Trả lời câu hỏi “Mang gì về mà nhiều thế” của phóng viên, Hằng cho biết: “Mới từ đầu tháng chạp, em gái em đã gọi điện ra hỏi chị khi nào về quê ăn Tết. Cà nhà có mỗi chị lớn đi làm Hà Nội, nên các em đều mong. Thế mà chị lại về ăn Tết tay không thì thật xấu hổ. Hơn nữa quê em là xã thuần nông nghèo khó của tỉnh Hà Tĩnh, đồ đạc không sẵn như Hà Nội, vậy nên em đã tranh thủ sắm ít đồ Tết và mua cho bố mẹ, các em mỗi người một món quà”.

qua tet cua cnld gian di ma tham tinh
Công nhân sắm Tết tại chợ Mun, thôn Bầu xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Diệp

Nói rồi Hằng không ngần ngại mở các túi hành lý, hồ hởi khoe: “Bộ ấm chén pha trà ở nhà đã cũ, sứt hết quai nên em mua tặng bố một bộ ấm pha trà mới; chiếc nồi cơm điện này là quà cho mẹ bởi chiếc nồi cơm điện ở nhà mới bị hỏng. Cô em lớn đang học cấp III đã biết làm dáng thì em mua tặng một chiếc kẹp tóc và thỏi son dưỡng môi, còn đôi giày thể thao này là quà cho cậu em út đang học cấp II. Ngoài ra còn ít bánh kẹo, hạt dưa để bố mẹ tiếp khách ngày Tết”.

Được phóng viên khen chu đáo, khéo chọn quà, Hằng bảo, để có được những món quà này, cô đã mất hàng tuần đi lựa chọn. “Trước Tết khoảng nửa tháng, cứ giờ tan ca, em lại cùng các đồng nghiệp trong phân xưởng rủ nhau đi sắm quà Tết. Sở dĩ chúng em phải đi nhiều lần như thế là để khảo giá sao cho có thể mua được những món đồ vừa túi tiền nhất bởi hàng ở chợ hay bị người bán nói thách nên rất nhiều, mà công nhân chúng em thì ít tiền”- Hằng nói.

Cũng đi cùng chuyến xe về Hà Tĩnh với Hằng là công nhân Nguyễn Thị Huyền công nhân công ty May Nam Triều Tiên. Hỏi chuyện quà Tết, Huyền cho biết, không chỉ riêng cô, mà với hầu hết các CNLĐ ngoại tỉnh, khi muốn mua sắm Tết cho bản thân hay mua quà Tết cho gia đình đều phải mất công khảo giá và đắn đo cân nhắc rất nhiều, do tiền lương, thu nhập không cao, tiền thưởng Tết không nhiều.

Công nhân chỉ chờ cơ hội mua hàng hóa giá rẻ, hàng giảm giá, hoặc mua những món quà đơn sơ, giản dị, chứ không dám nghĩ tới những món quà đắt tiền. Nắm bắt tâm lý và điều kiện hoàn cảnh của công nhân, nhiều tiểu thương buôn bán tại các chợ tập trung đông CNLĐ ngoại tỉnh đều bán các mặt hàng giá rẻ, vừa với túi tiền của họ. Có những nơi, chỉ cần từ 45-50 ngàn đồng có thể mua được một bộ quần áo trẻ em; 150-200 ngàn đồng có thể mua chiếc áo khoác đẹp, dày dặn.

“Tết này về quê, em mua cho mẹ chiếc áo khoác ấm vì mùa đông năm nay rét nhiều, quà cho bố là đôi giày mới vì bố thường chỉ đi dép lê chứ chưa bao giờ mua cho mình một đôi giày nào. Tất cả những món đồ này đều là hàng giảm giá nhưng hình thức và chất lượng cũng khá ổn. Thôi thì “của ít, lòng nhiều”, chắc chắn bố mẹ em sẽ rất vui”- Huyền bộc bạch

Dành dụm vài tháng để mua quà Tết

Qua trò chuyện, nhiều công nhân cho biết, thưởng Tết hàng năm dao động vào khoảng một tháng lương. Thời buổi giá cả leo thang, nếu chỉ trông chờ vào đó thì rất khó để mua sắm, trang trải ngày Tết, ấy là chưa kể doanh nghiệp thường chi thưởng muộn, sát ngày về nên chẳng kịp mua sắm. Biết trước điều đó, nên hầu hết các công nhân đều dành dụm nhiều tháng liền cho việc sắm sửa cuối năm.

Hoàng Lan, công nhân một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long tâm sự: “Em đi làm ở Hà Nội, hằng tháng chỉ phải nuôi thân mình, không đỡ đần được bố mẹ nên ngày Tết cũng phải sắm sửa cho cả nhà ít quà bánh, quần áo, có chút mừng tuổi cho mọi người. Những món quà cho người thân rất đơn giản, toàn là thứ giá rẻ nhưng cũng thường “ngốn” tới tiền triệu. Biết vậy, nên trong năm, em phải tiết kiệm, rồi chịu khó đi làm thêm để có thể dành được một khoản nhỏ ắm chứ chờ tiền thưởng Tết thì chẳng được bao nhiêu mà mua sắm cũng cập rập, vội vàng khó chọn được món đồ như ý" .

qua tet cua cnld gian di ma tham tinh
Nắm bắt được tâm lý và điều kiện của công nhân, nhiều tiểu thương tại chợ Mun, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh chỉ bán hàng giá rẻ. Ảnh: Phạm Diệp

Cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thị Thu (làm việc trong KCN Bắc Thăng Long) cũng cho biết hai vợ chồng đã cố gắng không chỉ làm ở công ty ban ngày mà còn nhận phụ bán hàng thêm buổi tối để có thêm tiền sắm sửa trước khi về quê ăn Tết.

Thu bảo, nếu còn độc thân, chuyện về quê ăn Tết có quà hay không không phải là điều khiến cô bận tâm, nhưng giờ đã làm vợ, làm dâu, lại là dâu mới, kiểu gì cũng không thể về Tết tay không. Ít nhất thì cũng phải có quà cho bố, mẹ chồng, mừng tuổi em chồng và các cháu. “Dẫu có tốn kém, nhưng đó là chút quà nghĩa tình đối với người thân ở quê”.

Tiếp lời vợ, Hùng nói: “Việc mua sắm quà để về quê ăn Tết không chỉ là ý muốn của vợ chồng tôi mà của tất cả những người đi làm ăn xa xứ. Cứ mỗi lần lỉnh kỉnh xách đồ về đến đầu ngõ, nhìn thấy đôi mắt ánh lên niềm vui và xúc động của mẹ, nụ cười rạng rỡ của cha và tiếng hò reo của bầy em là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Dẫu công việc vất vả, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mọi CNLĐ, nhất là CNLĐ ngoại tỉnh vẫn háo hức mong chờ Tết đến và hướng trọn tình cảm về quê hương, gia đình. Với họ, lương, thưởng được đảm bảo, vật giá bớt leo thang để có điều kiện góp Tết cùng gia đình sau cả năm xa nhà biền biệt là những mong ước, những tình cảm rất đáng trân trọng…

Ngọc Tú

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này