Ngõ Hà Nội

15:59 | 11/02/2018
Từ lâu, tôi khá thờ ơ khi nói đến phố cổ Hà Nội, hay những gì người ta khoác lên cho nó, dù tôi sinh ra ở Thủ đô. Ký ức trong tôi chỉ là hai quê cha và mẹ, mỗi quê mang một đặc điểm riêng biệt của làng quê Bắc Bộ. Vả lại, tuổi thơ của tôi ở hai quê cũng rất êm đềm, ăm ắp những niềm vui, đến độ tôi luôn coi Hà Nội như một cái chợ lớn, khi mà dân tứ xứ đổ lên làm ăn rồi sinh sống ở đó.
ngo ha noi Đừng bỏ lỡ Tết truyền thống tại phố cổ Hà Nội
ngo ha noi Phố gà Ri ở cửa ngõ Thủ đô

Thói đời ghét của nào trời trao của ấy. Tôi vào ở ngõ nhỏ tại nội thành, lý do đơn giản chỉ để đi làm cho gần. Thủ đô ngày càng mở rộng, quãng đường trước kia đi mất hai chục phút giờ thành cả tiếng đồng hồ, ấy là chưa kể lúc cao điểm. Một ngày mất vài tiếng trên đường, về lâu về dài rất có hại cho sức khoẻ.

ngo ha noi

Cái ngõ tôi ở nó cũng như muôn vàn các con ngõ khác của thủ đô, ấy là nó hẹp, có đoạn một xe máy đi thì xe kia phải lùi lại. Khi chưa quen với cách đi lại ấy, tôi rẩt khó chịu. Nhưng quen rồi thì thấy cũng đơn giản thôi, ai tiện thì nhường người kia, cũng chỉ vài giây là xong. Người trong ngõ biết nhau cả, nhường nhịn nhau một vài giây, một vài động tác lùi lại đâu có thấm gì. Kể cả người lại vào ngõ, người ta cũng nhiệt tình hướng dẫn cách đi lại, như thể thân nhau từ lâu lắm rồi. Hỏi nhà ai cũng được chỉ cặn kẽ, thậm chí còn gọi hộ.

Đi từ nhà ra đầu ngõ thì gần như đủ mọi vật dụng cho sinh hoạt thông thường từ dưa cà mắm muối đến đồ ăn sẵn. Và quan trọng là giá rất rẻ, trừ một vài cửa hàng đã trở nên nổi tiếng với phương châm làm ăn là càng đắt thì khách càng đến. Người ta vẫn quen thói bán cho nhau, vả lại không mất tiền thuê cửa hàng thuê nhân công nên có bán rẻ mà nhiều vẫn lãi.

ngo ha noi

Thành thử, sáng sớm và chiều tối thì ngõ nhộn nhịp lắm. Cứ sáng ra, tôi luôn bị đánh thức bằng tiếng lao xao đi chợ, không gần lắm mà cũng không xa lắm, nó chỉ hối hả như nhịp đời. Chỉ hai thời điểm đó trong ngày là ngõ xôn xao, còn lại, ngõ im lìm, không mấy tiếng động, rất hợp với những người cần yên tĩnh. Cho dù ngoài kia, phố xá vẫn náo nhiệt và rộn ràng.

Khi chưa ở trong ngõ, tôi hình dung cuộc sống ở đó xô bồ và rất khó chịu. Ở lâu thấy thực ra khó chịu hay không do mình cả. Chắc là vậy, bởi để cùng cộng sinh yên ổn, người ta phải nhìn nhau mà sống. Anh làm cái gì với tôi thì anh sẽ được người khác trả lại gấp nhiều lần như thế, câu này với cuộc sống trong ngõ dường như đúng trong đa phần các trường hợp.

ngo ha noi

Quen với cuộc sống tập thể từ thời bao cấp, ở ngõ tôi cũng không hoàn toàn khép kín, mà vẫn giao lưu với hàng xóm láng giềng ở mức độ sơ giao, phần vì không có nhiều thời gian, phần vì cũng chỉ cần đến thế. Thành thử, khi gặp nhau là luôn vui vẻ cười nói, cũng chỉ dăm câu ba điều, nhưng cũng làm cho ngày mới của mình được mở đầu một cách nhẹ nhàng.

Quen dần cuộc sống trong ngõ, tôi hay lê la những con ngõ khác của phố cổ Hà Nội. Không hẳn vì đồ ăn ngon, bởi thế hệ ngày nay chắc chắn về sự cẩn thận cũng như cái tâm với nghề không thể như thế hệ trước, mà vì ngõ phố cổ có một cái gì đó rất lôi cuốn. Ngồi một hàng café ở ngõ nhỏ, im lặng mà nhìn cuộc sống trôi qua trước mặt, có cảm giác như mình đang tĩnh tâm khi tất cả đều xô bồ.

Nhiều cửa hàng ở ngõ nhỏ có một cách phục vụ rất riêng, đó là khi khách đến lần đầu tiên, họ mặc nhiên coi anh là khách qua đường, vẫn phục vụ nhưng thái độ lành lạnh, khiến nhiều người nghĩ là họ khinh khỉnh. Nhưng chỉ cần anh đến vài lần, họ mặc định là khách quen, tự khắc họ thay đổi thái độ. Nhiều người không thích cung cách này, tôi thì không thích cũng không ghét, nhưng tôi cho là họ có lý.

Bởi thượng đế ở ta cũng trăm nghìn vẻ, họ không lạnh lùng từ đầu thì đôi khi mất rất nhiều thời gian để chiều theo những yêu cầu vẽ rắn thêm chân của khách. Vả lại, nếu làm ăn lâu dài thực sự, thì người ta thà chiều khách quen còn hơn. Với khách lạ mà sẽ thành quen, thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng của sản phẩm. Tôi có vài ba hàng quen như thế, dần dần chủ khách thành bạn, và quan trọng nhất là họ nhớ khách cũng như khẩu vị của khách, lâu dần đến mức chẳng việc gì mình phải pha chế ở nhà cho lích kích.

Lý thú nhất là đến giờ, ở ngõ mới hay có những sản vật quê nhà mang lên bán. Ở các khu đô thị mới, đồ ăn thức uống đa phần là ở siêu thị, là hàng sản xuất hàng loạt. Ở trong ngõ, vẫn có cá sông, vẫn có hoa quả nhà trồng. Người ta quen từ xưa, cứ nuôi trồng được cái gì là mang lên phố bán.

Cũng chẳng phải chào mời gì, bởi lượng khách quen luôn ổn định, không phải mặc cả gì nhiều. Bán đắt, người trong ngõ sẽ mua của người khác. Chẳng ai dại gì làm điều ấy. Người ta chỉ bán đắt với khách qua đường mà thôi, bởi sau đó có khi cả tỷ năm chẳng gặp lại.

Những con ngõ nhỏ của thủ đô luôn có nét bí ẩn, trầm mặc riêng, mà giải mã điều đó là một việc vô cùng khó, bởi mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau. Tôi có một người bạn đang làm việc ở Đức, anh ấy tên nick là Hà Nội Ngõ. Anh bảo, đi xa rồi chẳng nhớ gì, chỉ nhớ cái ngõ xiêu vẹo nơi anh ở, nhớ đến quay quắt.Và tôi cũng chắc rằng, nếu vì điều gì đó mà tôi phải đi xa, thì chắc tôi cũng như anh.

Và tôi viết những dòng này, trong con ngõ nhỏ, khi ngoài sân đang phân phất mưa.

Nhà văn NGUYỄN TOÀN THẮNG

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này