Tọa đàm:

Tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã

18:58 | 30/01/2018
Ngày 30/1/2018, tại khách sạn Pullman Hanoi, đã diễn ra buổi tọa đàm “Việt Nam với những nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã”. Hoạt động này được sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) và Tổ chức Cứu trợ hoang dã (WildAld).

Dự buổi tọa đàm có: Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, TS Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS Lương Ngọc Trâm - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), TS Nguyễn Đức Hạnh - Hiệu phó Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cùng đại diện một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các bộ/ngành, các nhà khoa học và hoạt động môi trường...

tin nhap 20180130184847
Các diễn giả chuyên ngành thực thi pháp luật giao lưu với khán giả. (Ảnh: L.Q.V)

Thời gian qua, nhiều văn bản chính sách bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đã được Việt Nam ban hành, như: Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (2004), Luật Đa dạng sinh học (2008), Các luật về xử lý vi phạm (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tiếp đó là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, qua thực tiễn, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD còn nhiều khó khăn. Bên cạnh việc các vi phạm trên toàn quốc diễn ra khá tinh vi là những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật - nên chưa đáp ứng việc thực thi pháp luật nghiêm minh.

Trước thực trạng đó, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn cho đấu tranh phòng, chống loại tội phạm nói trên, như: Mở rộng phạm vi đối tượng các loài ĐVHD được bảo vệ; Bổ sung nhóm hành vị phạm tội; Đã hình sự hóa hành vi tàng trữ cá thể (động vật đã chết); Bổ sung một số tội danh mới; Bổ sung tình tiết tăng nặng khung hình phạt...

tin nhap 20180130184847
Các “Đại sứ thiện chí” của chương trình và các nhà tổ chức cuộc tọa đàm. (Ảnh: L.Q.V)

Đáng chú ý, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm đã được điều chỉnh từ “tội phạm nghiệm trọng” thành “tội phạm rất nghiêm trong”. Theo đó, đã nâng mức phạt tiền đối với người thực hiện tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, tăng mức phát tù từ 3 năm lên 5 năm và nâng mức cao nhất của hình phạt tù từ 7 năm lên 15 năm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) cũng đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 6 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ vĩnh viễn. Với pháp nhân thương mại vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm: Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 15 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ vĩnh viễn.

Theo ông John Baker - GĐ Chương trình WildAid: “Những hình phạt tăng nặng trong Bộ luật Hình sự 2015 chắc chắn sẽ làm nhụt chí những kẻ có ý định kiếm lời phi pháp từ buôn bán ĐVHD. Một khi những thay đổi này có hiệu lực, Viêt Nam cùng các quốc gia tiên phong khác sẽ đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn buôn bán trái phép ĐVHD”.

Trong buổi tọa đàm, còn có phần giao lưu với các Đại sứ thiện chí của chiến dịch, gồm: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 và MC Phan Anh, đồng thời xem các phim tài liệu về bảo vệ ĐVHD mà các Đại sứ Thiện chí nói trên đã tham gia thực hiện tại nước ngoài.

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này