Công tác bảo tồn, phát huy di sản:

Tín hiệu đáng mừng!

09:37 | 18/01/2018
Năm 2017, ngành văn hóa nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, hai di sản văn hóa phi vật thể là Hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài Chòi Nam Trung Bộ được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đã đạt được hiệu quả cao. 
tin nhap 20180118091535 Số hóa hơn 1.000 hiện vật tháp cổ Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
tin nhap 20180118091535 Hát Xoan Phú Thọ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
tin nhap 20180118091535 Nhìn lại những ký ức chung

Nỗ lực đáng kể của cộng đồng

Vừa qua, việc UNESCO ra quyết định đặc cách ngoại lệ đối với Hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và được làm hồ sơ để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Sự kiện này đã đánh dấu thành công của cộng đồng trong việc tích cực tham gia bảo tồn Hát Xoan.

Theo báo cáo trình bày tại UNESCO, tình trạng của Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cơ quan chức năng và cộng đồng trong việc khôi phục nó kể từ khi ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Nếu như năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi. Ngày nay, các phường đã có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan. Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia cũng chiếm tỷ lệ cao và ngày càng nhiều.

tin nhap 20180118091535
Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh minh hoạ

Quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO cũng được tiến hành đồng thuận với sự tham gia tích cực của cộng đồng trong bốn phường Xoan và tham vấn của các nghệ nhân và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Cục Di sản văn hoá, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản văn hoá Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam. Việc khôi phục thành công Hát Xoan sau khi bị mai một nghiêm trọng cho thấy nỗ lực đáng kể của cộng đồng. Vì thế, việc đưa Hát Xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và đưa vào danh sách đại diện là một minh chứng về một di sản được thực hành hiệu quả và tạo ra cảm hứng về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể cho cộng đồng Việt Nam cũng như thế giới. Đây cũng là cơ hội để tôn vinh các nghệ nhân, khuyến khích họ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ trẻ.

Hồ sơ di sản trình UNESCO được lấy làm mẫu

Bên cạnh quyết định đặc cách của UNESCO đối với Hát Xoan, hồ sơ của nghệ thuật Bài Chòi đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, được Ban đánh giá hồ sơ và 24 nước thành viên Uỷ ban liên chính phủ UNESCO đánh giá cao và được chọn làm hồ sơ mẫu.

Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ nghệ thuật Bài Chòi của các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng. Cụ thể, nhiều nghệ nhân, câu lạc bộ đã tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi. Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Nhiều đoạn ghi âm, ghi hình của các nghệ nhân và các nhóm, câu lạc bộ Bài Chòi tại các địa phương có thực hành Bài Chòi cũng đã được thu thập trong hồ sơ. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí trong việc thực hành và truyền dạy di sản, cũng như sưu tầm tài liệu, tư liệu hóa và hỗ trợ các biện pháp phục hồi di sản. Đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân và các chương trình giáo dục chính quy nhằm thu hút sự tham gia của các thế hệ trẻ. Các phương tiện báo chí, truyền thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của di sản cho cộng đồng.

Là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc lưu giữ di sản. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan. Hơn nữa, việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể vì nghệ thuật Bài Chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá: “Hình thái kinh tế xã hội có thể mất đi nhưng chỉ có văn hóa là tồn tại bền lâu nhất. Để phân biệt giữa các quốc gia, khu vực, đặc trưng nhất vẫn là văn hóa. Việc Hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước. Thời gian tới, thể chế, chính sách trong lĩnh vực di sản văn hóa sẽ tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này