Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017

21:08 | 29/09/2017
Tiếp tục chương trình Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, ngày 29-9, tại TP Huế diễn ra Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế APEC với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC.
doi thoai chinh sach cao cap ve phu nu va kinh te apec nam 2017 Hạ tầng thông tin liên lạc sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017
doi thoai chinh sach cao cap ve phu nu va kinh te apec nam 2017 Trưng bày mô hình Châu Ấn thuyền nhân dịp APEC 2017

Đây là sự kiện chính thức cuối cùng để các đại biểu thông qua Tuyên bố chung về tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE 2).

Đây là mong muốn của tất cả các thành viên nhằm xây dựng một APEC đổi mới hơn nữa để phụ nữ cũng như trẻ em gái, hay bất kỳ một người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và phải được thực thi bằng ý chí và nỗ lực cao nhất.

doi thoai chinh sach cao cap ve phu nu va kinh te apec nam 2017
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Đối thoại. (ảnh nhandan.com.vn)

Với sự đồng thuận và thống nhất cao của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Đối thoại đã thông qua các văn bản mang tính định hướng dài hạn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực APEC. Nổi bật là:

Thứ nhất là, Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017. Tuyên bố đã đưa ra những khuyến nghị chính sách quan trọng cho 21 nền kinh tế APEC về ba nội dung ưu tiên lớn của năm 2017, gồm: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; và thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn nhất trí sẽ trình Tuyên bố lên các nhà Lãnh đạo Kinh tế tại Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.

Thứ hai là, văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”. Đây là sáng kiến của Việt Nam, được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đánh giá là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC. Các thành viên cũng cam kết sẽ phối hợp với các ủy ban, nhóm công tác khác của APEC để thúc đẩy “lồng ghép giới” trong hoạch định chính sách và triển khai các dự án, chương trình hợp tác của APEC ở tất cả các cấp.

Thứ ba là, văn bản về Tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC. Quỹ này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, và hứa hẹn mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.

Trong bốn ngày vừa qua, với ba sự kiện chính thức, gồm: Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) lần thứ 2, Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPDWE), Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế, và bảy hoạt động do các thành viên APEC phối hợp với các bộ, cơ quan của Việt Nam tổ chức, gồm: Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017; Hội thảo nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải APEC; Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm; Hội thảo Phụ nữ APEC vận dụng khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo; Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC; và Đêm văn hóa Tịnh Yến – Quyền năng kinh tế của phụ nữ và bản sắc văn hóa, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài khu vực, các chuyên gia, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Đông đảo phóng viên, báo chí trong nước và quốc tế cũng đã đến đưa tin bài về các hoạt động này.

Với việc đăng cai tổ chức Diễn đàn, Việt Nam mong muốn cùng các thành viên APEC khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và coi đây là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn vốn con người, cũng như đóng góp thiết thực vào các nỗ lực toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Diễn đàn cũng cho thấy kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà của Năm APEC 2017.

Tuệ Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này