Năm 2018, Bộ Y tế sẽ đàm phán giá thuốc cấp quốc gia

19:49 | 12/01/2018
Năm 2017, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai đấu thầu giá thuốc cấp quốc gia với 21 mặt hàng thuốc, giảm 16,4% so với giá trúng thầu năm trước. Năm 2018, Bộ Y tế sẽ thí điểm đấu thầu tập trung một số trang thiết bị, vật tư, hóa chất và thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia.
nam 2018 bo y te se dam phan gia thuoc cap quoc gia Yêu cầu giảm giá thuốc đến 15%, đấu thầu tập trung thuốc bảo hiểm y tế
nam 2018 bo y te se dam phan gia thuoc cap quoc gia Giá thuốc cao ngất vì lợi ích nhóm?
nam 2018 bo y te se dam phan gia thuoc cap quoc gia

Giảm 16,4% giá thuốc nhờ đấu thầu quốc gia tập trung

Trong thời gian vừa qua, triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật Đấu thầu, nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế; giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc.

Triển khai Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia đợt một cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm 16,4% so với giá trúng thầu trung bình năm trước, khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc trúng thầu giữa các vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2017, Bộ đã thành lập Trung tâm đấu thầu quốc gia tập trung và ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia (cấp cao nhất) với những thuốc thuộc năm nhóm hoạt chất gồm thuốc sử dụng nhiều nhất, thuốc có giá trị tiền cao nhất và chiếm chi phí lớn. Nhờ đấu thầu quốc gia tập trung, giá thuốc giảm gần 17%. Trong đó, thuốc biệt dược giảm khoảng 10%, một số loại thuốc khác khi đấu thầu giảm tới 30%.

Năm 2017, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị ba miền để công bố giá thuốc trúng thầu và nhà trúng thầu một cách công khai, minh bạch. Các nhà cung cấp cam kết giá không thay đổi trong hai năm và sẽ cung ứng đủ, cung ứng đúng chất lượng thuốc.

Căn cứ vào giá đó, 63 tỉnh, thành phố sẽ có cơ sở để thực hiện mua thuốc, tránh được tình trạng chênh lệch giá giữa các vùng miền. Các tỉnh sẽ tự đấu thầu (do Sở Y tế hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện) thuốc cho các cơ sở y tế. Ngoài danh mục thuốc tỉnh đấu thầu tập trung cho cả tỉnh, các đơn vị khám, chữa bệnh cũng tự thực hiện đấu thầu cho phù hợp với cơ sở y tế của mình, không cần phải chờ giá đấu thầu thuốc cấp quốc gia hay đấu thầu tại Sở Y tế.

Về nguy cơ nhà thầu năng lực yếu, không cung ứng đủ so với nhu cầu của thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các nhà thầu đã thực hiện cam kết cung ứng đủ và tiến hành liên kết doanh nghiệp khác để cung ứng thuốc cho thị trường.

Tiến tới đàm phán giá thuốc cấp quốc gia

Trong buổi trả lời báo chí đầu năm 2018, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đang chuẩn bị thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia.

Trước tiên, Bộ sẽ thành lập Hội đồng đàm phán giá thuốc; thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt một gồm tám mặt hàng thuốc biệt dược gốc quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 5-5-2016, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2018.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng bổ sung Danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế thí điểm hình thức đàm phán giá (dự kiến 139 mặt hàng thuốc).

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Sau khi thực hiện đấu thầu giá thuốc cấp quốc gia, Bộ sẽ thực hiện đàm phán giá đối với những thuốc giá cao; những thuốc generic gần hết bản quyền. Việc này, nhiều nước đã làm rất thành công, có thể giảm tới 30% giá khi đàm phán giá cấp quốc gia”.

Đối với đấu thầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư y tế tiêu hao, chuẩn bị thí điểm đấu thầu tập trung một số trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

Theo Thiên Lam/nhandan.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này