Dịp Tết Nguyên đán 2018: Đủ lượng tiền mặt lưu thông

10:06 | 11/01/2018
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc không phát hành tiền mới dịp tết Nguyên đán năm 2018 sẽ giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm được khoảng 280 tỷ đồng, đồng thời góp phần làm giảm hình ảnh phản cảm tại khu vực lễ hội, đền chùa. Tuy nhiên, NHNN vẫn sẽ đảm bảo đủ tiền mặt, hoạt động thanh toán, thông suốt trong dịp tết Nguyên đán
du luong tien mat luu thong Thanh toán không dùng tiền mặt: Khó nhất là thay đổi thói quen
du luong tien mat luu thong Tăng cường kiểm soát tiền mặt với du khách quốc tế đến Việt Nam

Không để thiếu tiền trong dịp Tết

Liên quan đến vấn đề đảm bảo đủ tiền mặt thanh toán, thông suốt trong dịp tết Nguyên đán 2018, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ -NHNN cho biết, từ đầu tháng 12/2017, NHNN đã điều chuyển tiền mặt về NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và đặc biệt ưu tiên các địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhiều điểm ATM như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Dự kiến mức điều chuyển trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng 20% so với năm 2017 để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và bảo đảm an toàn, hoàn thành trước ngày 7/2/2018.

du luong tien mat luu thong
NHNN sẽ đảm bảo đủ lượng tiền mặt lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Cũng đề cập đến vấn đề đáp ứng nhu cầu tiền mặt tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến.Như vậy có thể khẳng định, NHNN hoàn toàn có thể đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018.

Đại diện NHNN cũng cho biết, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội (theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng).

Mặc dù không in thêm tiền mệnh giá nhỏ trong dịp tết Nguyên đán 2018, tuy nhiên, NHNN khẳng định vẫn bảo đảm đủ tiền mệnh giá nhỏ cho bà con dịp Tết, nhưng siết chặt các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm chi phí, có văn hoá, trong dịp tết Nguyên Đán theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, NHNN có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân; đảm bảo các máy ATM hoạt động thông suốt trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả

Bên cạnh việc bảo đảm đủ tiền mặt thanh toán và thông suốt trong dịp tết Nguyên đán 2018, vấn đề chính sách tiền tệ trong năm 2017 cũng là một trong những linh vực điều nhiều người quan tâm. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm.

Đại diện NHNN cũng cho biết, cơ quan điều hành cũng đã tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, hoạt động các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm). Giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.

Đáng chú ý, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%...

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này