Cố nhà văn Lộng Chương: Cây đại thụ sân khấu nước nhà

10:43 | 09/01/2018
Tối ngày 7/1, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố tác giả, nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đoàn kịch LucTeam đã công diễn thành công vở hài kịch “Quẫn” như lời tri ân với những công lao to lớn của ông dành cho nền sân khấu nước nhà.
cay dai thu san khau nuoc nha "Chào 2018": Bữa tiệc âm nhạc truyền cảm hứng với một dàn sao
cay dai thu san khau nuoc nha Rối cạn kết hợp rối nước chào năm mới 2018
cay dai thu san khau nuoc nha Vở kịch "Dã Tràng" xuất ngoại tới sân khấu quốc tế
cay dai thu san khau nuoc nha Luồng gió mới cho sân khấu kịch Thủ đô

Con người đa tài

Nhà viết kịch Lộng Chương tên thật là Nguyễn Văn Hiền, sinh ngày 5/2/1918 tại Hàng Bạc, Hà Nội (quê gốc Hải Dương). Trước năm 1945, ông là công chức đơn thuần. Cách mạng tháng Tám thành công, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tình nguyện tham gia kháng chiến, chuyển sang hoạt động sân khấu. Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông mất năm 2003, để lại hàng trăm kịch bản sân khấu nổi tiếng, nhiều tiểu thuyết, bài viết, sách về lý luận phê bình sân khấu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc đánh giá, nhà viết kịch Lộng Chương là con người đa tài, kỳ diệu. Bởi, ông không hề được học ở trường nghệ thuật sân khấu nào nhưng đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch, đạo diễn, diễn viên, sáng lập nhiều ban kịch, nhiều đơn vị nghệ thuật chèo, kịch, cải lương và làm thầy cho nhiều nghệ sĩ trẻ trưởng thành.

Kịch bản của ông chủ yếu được ghi trên những vỏ bao chè mà có tới 140 tác phẩm. Trong đó, các kịch bản “Quẫn”, “A nàng”, “Cửa hé mở”, “Đôi ngọc lưu ly”, “Tình sử Loa Thành”… đẹp mãi trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Các tác phẩm của ông, dù ngắn hay dài, dù là chèo hay kịch nói đều bám sát cuộc sống chính trị, đấu tranh quyết liệt với cái sai, cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu…

cay dai thu san khau nuoc nha
Chân dung cố nhà viết kịch Lộng Chương.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng chia sẻ rằng, chỉ riêng với vở “Tình sử Loa Thành”, nhà viết kịch Lộng Chương đã giúp ông nhận thức nhiều điều về sự sáng tạo nghệ thuật. Năm 1978, kịch bản “Tình sử Loa Thành” được Đoàn Tuồng Bắc Trung ương, nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng. Thời điểm này, tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc rất phức tạp. Khi sáng tác kịch bản này, tác giả đã mượn bi kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy trong truyền thuyết để khai thác một cách tinh tế về sự vỡ mộng của kẻ chiến thắng nhờ sự phản bội, lọc lừa.

“Tình sử Loa Thành” khai thác rất nhiều trò diễn, nhiều khía cạnh tâm lý của nhân vật, không rập khuôn, bắt chước các “khuôn vàng thước ngọc” của sân khấu truyền thống. Khi dàn dựng, vở diễn đã thành công ngoài sức tưởng tượng của Đoàn Tuồng Bắc trung ương. Sau 30 năm, đến nay, vở diễn vẫn là bài học quý giá cho các thế hệ nghệ sĩ trong sáng tác kịch bản và việc nhận thức, kế thừa, phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam.

Làm mới vở “Quẫn”

Nhân dịp này, đạo diễn, nghệ sĩ Trần Lực và các học trò của anh đã biểu diễn vở diễn “Quẫn” để tri ân bậc tiền bối có nhiều đóng góp to lớn với sân khấu Việt Nam.Vở hài kịch “Quẫn” do cố tác giả Lộng Chương viết vào những năm 60 của thế kỷ trước kể câu chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Tuy nhiên, khác với các “phiên bản” đã được dàn dựng trước đó với ngôn ngữ “Biểu hiện - Ước lệ” vở “Quẫn” của đạo diễn Trần Lực đã tạo ra một bộ mặt khác, hoàn toàn mới mẻ.Có thể nói, cùng với “Cơn ghen của Lọ Lem” và “Quẫn”, đạo diễn Trần Lực dường như đã đoạn tuyệt với hình thức sân khấu cũ đã trở nên già cỗi và đơn điệu. Anh tạo ra sự hấp dẫn bằng thứ ngôn ngữ sân khấu giản đơn và thậm chí hoang sơ.Ngoài ra, điều đặc biệt của vở “Quẫn” là đã được đạo diễn Trần Lực “thai nghén” và cho các diễn viên luyện tập trong thời gian dài.

Tại Liên hoan sân khấu thủ đô tháng 10/2016, “Quẫn” cũng đã đoạt Huy chương Bạc, Trương Mạnh Đạt đạt Huy chương Vàng cho vai Đại Cát, Nguyễn Phương My đạt Huy chương Bạc với vai Đại Lợi và Nguyễn Ngọc Trâm đạt Huy chương Bạc trong vai Đại Hưng, đạo diễn Trần Lực đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất.Tuy nhiên ở lần tri ân nhà viết kịch Lộng Chương lần này các diễn viên của LucTeam đã mang đến những màu sắc hoàn toàn mới.

Theo NSƯT Trần Lực, sau một năm diễn lại, vở diễn có khác nhưng tinh thần chung vẫn như vậy. Nhưng cái khác lớn nhất là các diễn viên của LucTeam trưởng thành hơn với kỹ năng điêu luyện hơn, vở diễn cũng được bổ sung những mảng miếng công phu hơn. Những người đã từng xem “Quẫn” trước đây thì bây giờ xem lại sẽ thấy ngạc nhiên.Ngoài ra, điểm nhấn của vở “Quẫn” phiên bản “trưởng thành” còn là sự tham gia diễn xuất của NSND Lê Khanh đã đem lại cho khán giả yêu nghệ thuật sân khấu, không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức mà còn thỏa mãn cả sự kỳ vọng của khán giả về một ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn và hiện đại, đầy bất ngờ thú vị....

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, bên cạnh việc công diễn vở hài kịch “Quẫn”, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo “100 năm – Nhà viết kịch Lộng Chương” như một hoạt động để tri ân bậc tiền bối có nhiều đóng góp to lớn với sân khấu Việt Nam. Dịp này, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III đã trao tặng gia đình của nhà viết kịch Lộng Chương nhiều tư liệu quý về ông mà cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã sưu tầm, lưu giữ nhiều năm qua.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này