Trưng bày “Thư viết tay 100 năm qua”

21:15 | 07/01/2018
Viết thư tay có lẽ là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa con người với con người. Trưng bày “Thư viết tay 100 năm qua” tại A Letter Home - Thư Quán (Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội) tuy có quy mô nhỏ, nhưng cũng đủ  cho mọi người cơ hội chiêm nghiệm về một nét đẹp văn hóa trong giao tiếp.
trung bay thu viet tay 100 nam qua Ký ức những cánh thư tay
trung bay thu viet tay 100 nam qua Thư tay của John Lennon đạt mức giá kỷ lục
trung bay thu viet tay 100 nam qua
Bức thư này được viết và gửi năm 1905. Ảnh: L.Q.V

Chị Nguyễn Thị Dạ Thương - chủ của Thư Quán cho biết: “Trong các dịp gặp gỡ nhiều nhà trí thức, các nhà sưu tầm hay những gia đình bình thường có tủ sách lớn, tôi thấy họ lưu trữ một lượng thư tay qua nhiều thời kỳ. Có gia đình vẫn giữ thói quen viết thư tay cho nhau, khi đi vắng, khi cần trao đổi hoặc thảo luận, khi muốn nhắn gửi yêu thương, khi muốn chia sẻ mọi điều... Và họ đã làm điều đó trong nhiều năm qua, đời này truyền qua đời khác như một thói quen sinh hoạt thường ngày. Một điều đẹp đẽ hiển hiện tự nhiên và lặng lẽ như thế đã khiến tôi vô cùng xúc động...”.

Trong trưng bày này, hơn 100 bức thư được giới thiệu, với đủ loại chất liệu giấy, đa số đã ngả màu thời gian. Bức thư có “tuổi đời” cao nhất được viết năm 1905, từ Sóc Trăng. Qua đó, cũng có thể thấy rõ nét những dấu ấn văn hóa - xã hội của từng giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam, thể hiện qua những bì thư, con tem, dấu bưu cục, chất liệu giấy, văn phong người viết. Đọc những bức thư đó, mọi người sẽ như được bước vào cuộc sống của những người khác và được chia sẻ cảm xúc bình dị của họ.

trung bay thu viet tay 100 nam qua
Một bức thư gửi nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển, có những con tem mang hình “Cô Ba Sài Gòn”. Ảnh: L.Q.V

Tâm sự về vẻ đẹp lặng lẽ ấy qua lần trưng bày này tại Thư Quán, chị Dạ Thương cho hay: Trong quá trình gom nhặt, bằng nhiều hình thức (được tặng, hoặc tìm thấy khi mua các tủ sách cũ), chị có trong tay một số thư từ viết tay thú vị trong vòng gần 100 năm qua. Có các bức thư của nhiều nhà trí thức gửi nhau (như thư nhà văn Trần Dần gửi nhà thơ Dương Tường, thư của nữ sĩ Mộng Tuyết gửi bạn, thư của nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển...), cũng có những bức thư tình của người bình thường, có thư trao đổi về công việc.... Hoặc như, qua bức thư của nhà văn Nguyễn Thế Phương gửi 2 nhà văn Hữu Mai và Ngọc Tú (Hội Nhà văn Việt Nam) đề nghị giúp in sách, bạn đọc có thể biết thêm về gia cảnh nghèo của nhà văn.

Qua thời gian trưng bày kéo dài 1 tháng này, nhà tổ chức mong muốn chia sẻ thêm về sự cầu kỳ của việc viết thư tay xưa kia ở nước mình như in giấy viết thư riêng, có dấu mộc hoặc hình vẽ, khổ giấy đặc trưng riêng... , đồng thời mong có thêm sự sẻ chia về việc viết thư tay, hoặc về chữ nghĩa của mọi người gần xa.

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này