Thêm hàng loạt mặt hàng nhập khẩu giảm thuế về 0%

08:36 | 06/01/2018
Theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, tính đến năm 2018, có 5535 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng là nguyên liệu đẩu vào phục vụ sản xuất xuất khẩu như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử...
them hang loat mat hang nhap khau giam thue ve 0 Ôtô nhập về Việt Nam tiếp tục giảm trước thời điểm thuế 0%
them hang loat mat hang nhap khau giam thue ve 0 Nhiều mặt hàng từ Campuchia sẽ hưởng thuế 0%

Sáng qua (5/1), Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề Giới thiệu về 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA, có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm có: ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc-Niu-Di-lân, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Chi Lê và Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)

Về cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu VKFTA trong năm 2018 của Việt Nam, có 10.078 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA năm 2018 không thay đổi so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 92,9% tổng biểu.

Có 653 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA năm 2018 giảm so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 6,87 % tổng biểu và 704 dòng có thuế suất cắt giảm là 0%, tập trung ở các nhóm hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.

Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA)

Theo Thông tư của Bộ Tài chính, sẽ cắt giảm nhiều dòng thuế suất thuế nhập khẩu VN-EAEU FTA trong năm 2018 của Việt Nam.

them hang loat mat hang nhap khau giam thue ve 0

Tính đến năm 2018, Biểu thuế VN-EAEU FTA có 5535 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng là nguyên liệu đẩu vào phục vụ sản xuất xuất khẩu như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử, nhựa nguyên liệu, phân bón, ngô, lúa mì,...

Ngoài 1372 dòng thuế không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VN-EAEU FTA do thuộc danh mục không cam kết, 3.720 dòng thuế còn lại vẫn đang tiếp tục được cắt giảm dần về 0% bao gồm sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, giấy các loại, sắt thép và sản phẩm sắt thép, sản phẩm cao su, hàng điện gia dụng, máy móc thiết bị,..

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)

Năm 2018 có 216 dòng thuế (2,3% dòng thuế) có mức thuế suất 50% bắt đầu được đưa vào thực hiện cam kết từ danh mục không cắt giảm trước đó gồm các mặt hàng trứng đường, muối, lá thuốc lá, xi măng…

Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Chi Lê (VCFTA)

Trong năm 2018 của Việt Nam, có 4985 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VCFTA năm 2018 không thay đổi so với năm 2017 (không bao gồm các dòng Việt Nam không cam kết giảm thuế theo hiệp định), chiếm tỷ lệ 52% tổng biểu. Có 4113 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VCFTA năm 2018 giảm so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 43 % tổng biểu.

Trong đó, có 2742 dòng có thuế suất là 0%, chủ yếu các nhóm cây và các bộ phận của cây, thức ăn gia súc đã chế biến, hóa chất vô cơ, hoá chất hữu cơ, nhựa, gỗ, sắt thép, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ.

Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)

Có 5.545 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VJEPA năm 2018 giảm so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 51% tổng biểu. Trong đó, có 456 dòng có thuế suất là 0%, chủ yếu các nhóm chất béo, đường, đá xây dựng, hóa chất hữu cơ, nhựa, cao su, gỗ, bột giấy, vải, ngọc trai, sắt thép, nhôm, thiếc, dụng cụ cầm tay, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ, nhạc cụ.

Về mức độ giảm thuế, có 2.918 dòng có mức cắt giảm sâu từ 50% - 67%, 604 dòng có mức cắt giảm trung bình từ 20% - 45% và 1.567 dòng có mức cắt giảm ít từ 4% - 18%.

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN (ATIGA)

Theo cam kết, năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018 (chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm từ sữa...).

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA)

Số dòng giảm thuế so với năm 2017 là 477 dòng, tỷ lệ 5%. Số dòng thuế này được giảm từ mức 5% và 10% năm 2017 xuống 0% vào năm 2018, gồm các mặt hàng chính thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Úc - Niu Di-lân (AANZFTA)

Về việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu trong năm 2018 của Việt Nam: Số dòng giảm thuế so với năm 2017 là 2738 dòng, (chiếm 29 % biểu thuế). Trong đó, từ năm 2018 có 2.337 dòng 0%, tập trung nhóm mặt hàng: vải các loại, may mặc, loại khác, hàng may mặc và đồ phụ trợ may mặc, quần áo và quần áo cũ, thủy sản và chế phẩm. Nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (20%) là ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)

Số dòng giảm thuế so với năm 2017 là 5.668 dòng (chiếm 59% biểu thuế). Nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (giảm 5%) là chế phẩm từ thịt, thủy sản và chế phẩm, rau quả và chế phẩm từ rau quả.

Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Nhật Bản (AJCEP)

Số dòng giảm thuế so với năm 2017 là 6.201 dòng, (chiếm 62% biểu thuế). Trong đó, từ ngày 1/4/2018 có 3.426 dòng hàng về 0%, tập trung nhóm mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt, thép, đồng, kim loại và sản phẩm bằng sắt, thép, kim cơ bản, vải các loại, may mặc, loại khác.

Nhóm mặt hàng cắt giảm nhiều nhất (5%) là nguyên liệu dệt may, da giầy, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt, thép, đồng, kim loại và sản phẩm bằng sắt, thép, kim cơ bản.

Theo Yến Nhi/ vnmedia.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này