Hàng trăm hoạt động được triển khai trong tháng bình đẳng giới

18:09 | 22/12/2017
Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
hang tram hoat dong duoc trien khai trong thang binh dang gioi Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
hang tram hoat dong duoc trien khai trong thang binh dang gioi Gian nan cuộc chiến chống bất bình đẳng giới

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 30 ngày triển khai (từ 15/11 - 15/12) Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, hàng trăm hoạt động được tổ chức từ trung ương đến địa phương.

hang tram hoat dong duoc trien khai trong thang binh dang gioi
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 diễn ra ngày 22/12 tại Hà Nội. Ảnh M.P

Thông qua Chiến dịch truyền thông, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.

Số liệu Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 phải chịu bạo lực ít nhất 1 lần trong đời, trong đó, có tới 87 % phụ nữ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Phát biểu tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017” tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội và tồn tại ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bất bình đẳng giới được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới bởi nó xuất phát từ tư tưởng trọng nam hơn nữ, bất bình đẳng quyền lực giữa nam giới và phụ nữ.

Theo ông Tiến, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đã triển khai nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; xây dựng, triển khai thí điểm các mô hình, dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực; đặc biệt các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đã được quan tâm triển khai trong thời gian vừa qua.

Mặc dù các kết quả đạt được bước đầu đã được ghi nhận, song để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ và phát triển bền vững, đòi hỏi cần có sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, tích cực hơn nữa từ các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân trong xã hội.

Mai Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này