Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Học để giải quyết việc làm tại chỗ

11:33 | 21/12/2017
Với mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, thời gian qua, công tác triển khai đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 
hoc de giai quyet viec lam tai cho Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
hoc de giai quyet viec lam tai cho Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vì sao hiệu quả vẫn thấp?

PV báo Lao động Thủ đô đã trao đổi với bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” trên địa bàn TP để hiểu thêm về hiệu quả của đề án.

hoc de giai quyet viec lam tai cho
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm việc với Ban Chỉ đạo huyện Quốc Oai về đào tạo nghề cho LĐNT.

Xin bà cho biết công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội như thế nào và hiệu quả ra sao?

- Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Mục đích đề ra của đề án là thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo đó, thời gian qua, công tác đào tạo đã được các quận, huyện triển khai khá bài bản, chất lượng đào tạo đã được chú trọng, đặc biệt có sự vào cuộc khá quyết liệt của Ban Chỉ đạo từ cấp huyện tới cấp xã. Trong đó, ghi nhận sự vào cuộc của UBND cấp xã và các tổ chức đoàn thể cấp xã trong việc theo sát hơn đối với các lớp đào tạo được tổ chức tại địa phương của mình; chất lượng đào tạo được chú trọng.

Từ góc độ doanh nghiệp (DN), Ban Chỉ đạo nhận thấy DN đã quan tâm đến công tác đào tạo, gắn với việc tiếp nhận LĐ đã qua đào tạo. Với bà con nông dân - người được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước, sau khóa đào tạo, có cơ hội chuyển đổi ngành nghề và nâng cao thu nhập.

Cụ thể, nếu lựa chọn học ngành nông nghiệp thì thu được năng suất, giá bán sản phẩm cao hơn, nếu học nghề phi nông nghiệp thì có nguồn thu nhập ổn định và có thêm kinh tế hỗ trợ rất tốt cho gia đình, ngoài nghề nông nghiệp đang làm.

Thưa bà, hiệu quả đề ra của đề án là sau đào tạo nghề sẽ giải quyết việc làm cho 80% LĐNT trở lên. Qua kiểm tra kết quả đào tạo năm 2016 tại các quận, huyện, chỉ tiêu trên có đạt không?

- Hiệu quả đề ra của đề án là 80% trở lên có việc làm nhưng hiện nay số DN tham gia vào đào tạo, bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế, tỷ lệ LĐNT tự tạo việc làm sau đào tạo nghề còn khá cao, chiếm từ 55-65%- tỷ lệ này đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn khá cao.

Thực tế, LĐNT sau đào tạo các nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề khả quan hơn (đạt trên 80%, nhiều nơi đạt tỷ lệ 100%). Tuy nhiên, LĐ học các nghề nông nghiệp phổ biến là tự tạo việc làm. Sự vào cuộc của DN vừa tham gia đào tạo, sau đó hỗ trợ giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm còn yếu. Đây là điểm các địa phương và DN tham gia đào tạo nghề cần khắc phục trong thời gian tới.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 được triển khai thiết thực, hiệu quả, xin bà cho biết Ban Chỉ đạo Thành phố sẽ có những giải pháp gì?

Thực tế qua kiểm tra trong năm 2016 vẫn còn có vấn đề liên quan đến người học, tổ chức của cơ sở đào tạo, sự giám sát chỉ đạo của các cấp quận, huyện đôi khi còn nơi lỏng, được chú trọng.

Người học- đối tượng thụ hưởng chính của chương trình chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình nên việc lựa chọn ngành nghề theo học chưa thực sự sát với mong muốn của gia đình cũng như không phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương. Vì vậy, có nhiều LĐNT học xong nhưng không hành nghề mà vẫn làm những công việc khác để kiếm thêm hoặc làm nghề cũ; tính chuyên cần và kỷ luật lớp học chưa được tuân thủ tốt...

Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT (giai đoạn 2017-2020), để kết quả, hiệu quả đào tạo phải tốt hơn và phải được nhân rộng, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, xây dựng định mức mới; quy định và gắn rõ trách nhiệm của UBND TP, quận, huyện đến xã, phường; các sở ban ngành; cơ sở đào tạo; đặc biệt là gắn trách nhiệm người học với nghề mình lựa chọn.

Mong rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, từ khâu tổ chức lựa chọn đối tượng, ngành nghề, cơ sở đào tạo, với sự vào cuộc có trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương, kết quả sẽ đạt hiệu quả tốt trong đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn TP Hà Nội thời gian tới sẽ rõ nét hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

N.Lan (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này