Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Bản hùng ca bất diệt

Kỳ tích sau Noel

09:04 | 21/12/2017
Lấy cớ nghỉ lễ Noel, 24h ngày 24 đến ngày 25/12 địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, đến 13h ngày 26/12 địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh. Quân và dân Hà Nội lại bắt đầu trận chiến đấu mới, thu được những thành tích đặc biệt quan trọng để kết thúc trận chiến 12 ngày đêm.
ky tich sau noel Chứng nhân trong 12 ngày đêm lịch sử
ky tich sau noel Cái chết của chiến dịch Linebacker-2

Từ 22h ngày 26/12. địch sử dụng 105 lần B52 và 110 lần máy bay chiến thuật hộ tống đánh ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu trên cả ba khu vực: Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên (Mỹ tập trung 66 lần B52 vào đánh phá Hà Nội, 21 lần B52 đánh Thái Nguyên và 18 lần B52 đánh Hải Phòng).

Từ 22h40, B52 ồ ạt đến ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội. Khu phố Khâm Thiên và Khu Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề. Từ các trận địa khu vực ngoại thành, ba tiểu đoàn tên lửa (57, 76, 88) đã tập trung bắn rơi một máy bay B52. Sau ít phút các tiểu đoàn (57, 58, 79, 85, 87, 94) lập tức bắn rơi tại chỗ hai máy bay B-52, một chiếc rơi xuống xã Định Công (Thanh Trì).

Với kinh nghiệm dày dạn, các tiểu đoàn tên lửa Phòng không (59, 93, 78, 79) đã phân tích chính xác, mục tiêu B52 trong dải nhiễu, bắn rơi thêm hai B52. Cùng thời gian này tại Hải Phòng, tiểu đoàn tên lửa 81 bắn rơi một B52, Đại đội 74 pháo 100 mm, trung đoàn 252 cũng bắn rơi một B52. Trận chiến đấu đêm 26/12 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận lớn, bắn rơi 8 máy bay B52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B52 nhất trong 9 ngày qua.

ky tich sau noel ky tich sau noel
Khâm Thiên bị tan hoang sau rải thảm B52 Khâm Thiên ngày nay là tuyến phố buôn bán sầm uất

Sáng 27/12, 100 lần máy bay chiến thuật của địch chia làm ba đợt đánh phá dữ dội vào các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội như nhà máy dệt 8/3, ga và kho Văn Điển, cầu Đuống, Gia Lâm, đài phát thanh Mễ Trì, các trận địa tên lửa, rađa... Đại đội 61 tiểu đoàn 20 bắn rơi một máy bay F4. Cùng ngày 27, không quân ta cất cánh hai lần bắn rơi hai chiếc F4 của Mỹ.

Từ 19h đến 22h, 36 lượt B52, có 66 lượt máy bay chiến thuật yểm hộ, tập trung đánh phá các khu vực: Đông Anh, Yên Viên, Bạch Mai, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nội, Cổ Loa. Xen kẽ giữa các đợt hoạt động của B52 là 17 lần F 111 tiếp tục thay nhau đánh phá. 22h20, Bộ Tư lệnh Không quân cho phi công Phạm Tuân lái máy bay MIG- 21 cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái được Sở chỉ huy và rađa dẫn đường trực tiếp bảo đảm, vượt qua hàng rào bảo vệ của máy bay F4 tiến về hướng đội hình B52. Đến bầu trời khu vực Mộc Châu - Sơn La, anh tiếp cận được mục tiêu, công kích bằng hai quả tên lửa. Một chùm lửa bốc cháy trùm lên chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không".

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

23h cùng ngày, bằng 32 quả đạn, các đơn vị tên lửa phòng không đã bắn tan bốn máy bay B-52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ. 23h02, hai tiểu đoàn tên lửa (71, 72) bắn tiêu diệt tốp máy bay B52 từ hướng Tây lao vào đánh phá Hà Nội. Bằng hai quả đạn theo phương pháp bám chính xác vào giữa nền dải nhiễu đậm, chiếc B52 chưa kịp cắt bom đã bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống làng Ngọc Hà, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đây là chiếc B52 duy nhất chưa kịp cắt bom đã bị bắn rơi.

Tiểu đoàn 59 và tiểu đoàn 77 cũng bắn rơi hai máy bay B52 ngay sau đó. Trong ngày và đêm đó, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay, trong đó có 5 B52, 5 chiếc F4, hai A7, một A6, một máy bay lên thẳng HH53 đến cứu giặc lái. Ngày 28/12, từ 10h đến 17h, 131 lần máy bay chiến thuật các loại đánh vào trận địa của bộ đội phòng không - không quân. Không quân ta cất cánh, bắn rơi một máy bay RA- 5C. Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu thông báo: Tổng thống Mỹ Nixon chấp thuận nối lại các phiên họp Hội nghị Paris.

21h41, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh của Sở chỉ huy Không quân, lái chiếc MIG21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy, do Sở chỉ huy sân bay Thọ Xuân và rađa dẫn đường vòng ra phía sau đội hình B-52 đuổi địch đến vùng trời Sơn La. Phát hiện được B52 bám sát ở cự ly gần, Vũ Xuân Thiều xin công kích, quyết tiêu diệt địch. Sau khi bắn cháy máy bay địch, phi công Vũ Xuân Thiều cũng anh dũng hy sinh. Trận đánh ngày và đêm 28/12, quân và dân ta bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có hai B52, một RA- 5C.

Ngày 29/12 23h16, 60 lần B-52 lần lượt đánh vào: 30 chiếc B-52 đánh khu gang thép Thái Nguyên và khu Trại Cau, 18 B52 đánh khu vực Đồng Mỏ (Lạng Sơn), 12 B52 đánh Kim Anh (Vĩnh Phú). Ngoài ra, 70 lần máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ đánh xen kẽ các sân bay Thọ Xuân, Yên Bái, Hòa Lạc, Kép và khu vực Kim Anh (Vĩnh Phú), Đông Anh (Hà Nội), ngoại vi Thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh. Ta bắn rơi hai máy bay, trong đó Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội bắn rơi một B52, một F4.

Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" bảo vệ Thủ đô Hà Nội cuối tháng Chạp năm 1972. Ngày 30/12 7h, Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Theo các chuyên gia quân sự và sử học, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là trận chiến mang tính quyết định để chính quyền Mỹ quay trở lại bàn đàm phán, mà còn thể hiện chân lý, dù kẻ thù có mạnh đến mấy, vũ khí có hiện đại đến đâu song không thể thắng nổi lòng người, ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng.

“Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, minh chứng hùng hồn chân lý một nước đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội... thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, dù chúng có các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Và chính lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo đánh thắng máy bay chiến lược B52 và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong những năm tháng kháng chiến gian khổ cần được giữ gìn, truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng thời những bài học về dự báo tình hình, chuẩn bị và tổ chức lực lượng, nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân... cần được vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện mới. Trải qua những tàn phá nặng nề và hy sinh to lớn trong chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thiết tha, quý trọng hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước”.

Trích phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nay là nguyên Chủ tịch nước) tại lễ Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

H.Phạm

(tổng hợp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này