Cổ phần hóa các doanh nghiệp xăng dầu:

Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi?

09:28 | 19/12/2017
Thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam ghi nhận lần đầu tiên có sự xuất hiện của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là liên doanh Idemitsu Q8 Petroleum do đối tác đến từ Nhật Bản và Kuwait góp vốn cùng Petrolimex – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) được Chính phủ phê duyệt cổ phần hóa khiến không ít người tiêu dùng tin tưởng, thời gian tới thị trường xăng dầu sẽ thực sự được cởi mở.
nguoi tieu dung se huong loi Doanh nghiệp xăng dầu "than" đang lỗ 1.000 đồng/lít
nguoi tieu dung se huong loi Sắp thanh tra hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu đầu mối

Thị trường xăng dầu sẽ cởi mở

Cuối cùng thì kế hoạch cổ phần hóa PV Oil và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ còn sở hữu 35,1% cổ phần ở PV Oil và 43% đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Được biết, từ trước đến nay, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện và chịu sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, việc liên tiếp cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu khiến nhiều người tiêu dùng tin tưởng và cho rằng, tương lai thị trường xăng dầu sẽ cởi mở hơn bởi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoài nước.

nguoi tieu dung se huong loi
Thị trường xăng dầu trong nước, cơ hội đã mở cho các nhà đầu tư nước ngoài

Trước đó, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Bình Dương là Thalexim (Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV) đã chào bán thành công 5% vốn với giá bán cao hơn 40% so với mức giá khởi điểm. Nhà nước dự kiến sẽ chào bán tiếp 45,55% vốn Thalexim cho đối tác chiến lược nhằm giảm tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống còn 36% vốn, tỉ lệ đủ quyền phủ quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông.

Đánh giá về bước đi mới trong việc cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Nhà nước, anh Phạm Duy Khánh – Giám đốc doanh nghiệp vận tải Khánh An (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, đây là một hành động tích cực bởi, sau khi cổ phần hóa và có sự góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường xăng dầu trong nước sẽ ổn định hơn và giá thành sẽ cạnh tranh hơn, thái độ phục vụ cũng sẽ tận tình, chu đáo hơn. “Tôi nghĩ rằng, khi có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, giá xăng dầu tại Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh và minh bạch hơn và người tiêu dùng sẽ thực sự được hưởng lợi”, anh Khánh nhấn mạnh.

Thu hút đầu từ nước ngoài bằng cách nào?

Việc người tiêu dùng được hưởng lợi ra sao, có lẽ sẽ phải chờ sự thay đổi khi nhà đầu tư nước ngoài nhập cuộc. Tuy nhiên, theo số liệu từ PV Oil, hiện tập đoàn này đang nắm giữ 22% thị phần xăng dầu trong nước và là đầu mối kinh doanh lớn thứ 2 về mặt hàng này. Theo phương án cổ phần hóa vừa được phê duyệt, Nhà nước sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống 35,1%, số cổ phần còn lại sẽ được nới room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng vậy, Nhà nước cũng sẽ tiến hành đấu giá công khai và cổ phần được chào bán cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được đẩy lên mức tối đa…Trước thực tế này, không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, thế mạnh gì để cổ phần các doanh nghiệp xăng dầu trong nước thu hút nhà đầu tư nước ngoài?

Về vấn đề này, ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc PV Oil cho biết, kế hoạch cổ phần hóa ban đầu vẫn dự kiến nhà nước nắm 49% cổ phần của PV Oil nhưng với tỷ lệ cổ phần lớn mà Nhà nước nắm giữ này thì cổ phần hóa chỉ được xem như một động thái “bình mới, rượu cũ”. Do đó, PV Oil đã mạnh dạn đề xuất Nhà nước chỉ giữ 35,1% cổ phần, còn lại sẽ bán cho các nhà đầu tư chiến lược, nới room sở hữu lên đến 49% cho các nhà đầu tư nước ngoài để họ có quyền quản lý cũng như tham gia vào các quyết sách chiến lược kinh doanh của PV Oil.

Để thực hiện cho tham vọng hút nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Dương, PV Oil đã xuất hiện trong một cuộc đua xe thể thao LE MANS ASIA SERIES, với 4 vòng đua. Ở vòng đầu tiên, PV Oil đã tài trợ cho đội đua số 38 và về nhất. Ở vòng đua cuối cùng, diễn ra ở Malaysia, đội đua do PV Oil tài trợ đã về thứ 5 chung cuộc. Tuy nhiên, đây không phải là cách thu hút nhà đầu tư ngoại duy nhất của PV Oil. Bởi PV Oil còn một lợi thế rất lớn để thu hút nhà đầu tư ngoại trong chiến lược thu hút vốn này. Bởi ở Thái Lan, lợi nhuận phi xăng dầu từ các cửa hàng xăng dầu lên tới 40-50%. Trong khi đó, với mạng lưới 540 cửa hàng xăng dầu trải đều trên 63 tỉnh, thành, lợi nhuận thu về từ xăng dầu sẽ là một con số khiến nhiều người mơ ước. Và đây chính là dư địa phát triển lớn nhất mà các nhà đầu tư ngoại trông đợi ở PV Oil…

Không hề kém cạnh PV Oil, Công ty Lọc hóa dầu Binh Sơn cũng có những thế mạnh riêng thu hút nhà đầu tư nước ngoài khi đang là đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, hiện sản lượng cung cấp xăng dầu tại nhà máy này đang đáp ứng được cho hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, điều đó cho thấy thế mạnh và tiềm năng rất lớn ở công ty này.

Vẫn biết, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài các doanh nghiệp xăng dầu đều có những chiến lược và thế mạnh riêng. Tuy nhiên, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần các tổng công ty, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước; cùng với sự xuất hiện của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là liên doanh Idemitsu Q8 Petroleum do đối tác đến từ Nhật Bản và Kuwait góp vốn cùng Petrolimex cho thấy, chắc chắn thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ được cởi mở hơn trong thời gian tới và người tiêu dùng có quyền hi vọng vào một thị trường xăng dầu minh bạch và có lợi hơn.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này