Tăng lương cho giáo viên:

Bắt đầu từ đâu trước?

14:29 | 12/12/2017
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi, là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Điểm mới này sớm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả  người trong và ngoài ngành giáo dục.
bat dau tu dau truoc Ủng hộ đề xuất lương cao cho giáo viên
bat dau tu dau truoc Vì sao phải đưa tăng lương giáo viên vào luật?

Tuy nhiên, để luật có tính khả thi cao thì việc tăng lương này nên bắt đầu từ nhóm đối tượng giáo viên nào hay từ khu vực nào trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp là điều mà nhiều chuyên gia và nhà quản lý băn khoăn!

Cụ thể, theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ". Bày tỏ sự đồng thuận với việc xếp lương giáo viên vào thang bảng lương ở bậc cao nhất là hợp lý.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học- giáo dục - môi trường UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng, cần đặt giáo viên trong một tổng thể đội ngũ cán bộ viên chức cũng như cần quan tâm tới tính khả thi của đề xuất này trong bối cảnh đất nước hiện nay.

bat dau tu dau truoc
Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.vn

Chính vì vậy nên bà đề xuất trong bối cảnh đất nước hiện nay, trước mắt nên chú ý đến bộ phận giáo viên đang hưởng bậc lương thấp nhất.Có nghĩa là ở bộ phận thấp nhất khi về hưu đúng chế độ thì lương không quá thấp.Như thế tính khả thi và nhân văn sẽ cao hơn.Còn thực ra làm nghề gì trong bối cảnh đất nước hiện nay cũng cần cái tâm với nghề nghiệp. Làm nghề gì cũng phải có tâm, thích nghi trong hoàn cảnh đất nước, phải chấp nhận trong khó khăn chung của đất nước.

Còn chia sẻ với báo chí về vấn đề này, TS Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết. Nếu ngân sách chưa đủ để làm đồng loạt thì cần phân theo lộ trình cụ thể. Có thể ưu tiên tăng sớm hơn cho vùng khó khăn trước. Còn ở khu vực thành phố có thể giãn thời gian tăng lương. Chẳng hạn vùng này có thể sau 6 tháng nữa phải tăng nhưng ở vùng thành phố chưa khó khăn, vài năm nữa mới tăng.

Như vậy, vùng này sẽ bù cho vùng kia". Còn liên quan đến đến đề xuất cách thức tăng lương giáo viên như thế nào trong thang bảng lương, theo ông Ngọc Thạch, yếu tố kĩ thuật này phải chờ Bộ Tài chính thực hiện.Ngoài ra, ông Thạch cũng cho biết, ở các vùng miền khác nhau có mức lương khác nhau.Vì thế, nếu đem bình quân ra, mức độ lương cũng không giống nhau. Tuy vậy, Nhà nước phải điều tiết chung và phải có lộ trình tăng phù hợp. Có thể tăng ở vùng khó khăn trước hoặc tăng theo cấp học, chẳng hạn tăng cho cấp Mầm non trước.

Trao đổi tại hội nghị góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mới đây, Thứ trưởng Bộ GD -ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII năm 1996, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI đều khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương.Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục năm 2013 cũng đã nhắc lại điều này, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hướng tới.Chính sách tiền lương hiện nay căn bản đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 để ngành Giáo dục thực hiện. Bộ GDĐT đã thực hiện thống nhất trong chính sách tiền lương của Nhà nước, thang bảng lương đối với nhà giáo được đặt ở vị trí thống nhất tùy từng ngành nghề, trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, cùng với tình hình chung và so với cuộc sống hiện tại, thu nhập bằng lương của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mới, nhà giáo đang công tác ở những vùng, miền có điều kiện khó khăn.Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: Đã 20 năm nay, Đảng và Nhà nước thể hiện mong muốn tăng lương cho giáo viên, cũng là sự quan tâm của toàn xã hội nhưng chưa thực hiện được. Như vậy, việc tăng lương giáo viên cần phải được đưa vào luật để cụ thể hóa vì nếu chỉ tồn tại trên giấy và chính sách thì rất khó khả thi./.

H.Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này