Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:50 | 07/12/2017
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và đang phát huy hiệu quả thiết thực.
hieu qua cong tac dao tao nghe cho lao dong nong thon Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn
hieu qua cong tac dao tao nghe cho lao dong nong thon Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vì sao hiệu quả vẫn thấp?

Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo, phần lớn các học viên đều phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội nơi đây.

hieu qua cong tac dao tao nghe cho lao dong nong thon
Số học viên có việc làm sau học nghề đạt tỷ lệ cao.

Theo đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) từ lâu đã được Sơn Tây xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững.

Vì vậy, sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Ban chỉ đạo 1956 Thị xã đã tích cực đôn đốc UBND các xã, phường trên địa bàn nghiêm túc thực hiện Đề án 16/ĐA-UBND của UBND Thị xã Sơn Tây về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020.

Ông Nguyễn Kim Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Thị xã Sơn Tây cho biết: Trong thời gian thực hiện Đề án, cái được lớn nhất là người người LĐ trên địa bàn đã thay đổi được nhận thức.

Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để từ đó đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước.

Theo báo cáo của Phòng LĐTBXH Thị xã Sơn Tây, để nắm bắt nhu cầu và thị trường sử dụng LĐ, năm 2016 đơn vị đã triển khai rà soát, thu thập thông tin tại 32.200 hộ dân; tiến hành điều tra thông tin biến động tại 205 doanh nghiệp với 629 vị trí cần tuyển dụng.

Sau rà soát, năm 2016, 31 lớp dạy nghề với 1.081 học viên đã được tổ chức. Trong đó, với nhóm nghề nông nghiệp, thu hút 626 học viên, tổ chức thành 18 lớp. Riêng nhóm nghề phi nông nghiệp cũng thu hút 455 học viên, tổ chức thành 13 lớp. Đáng mừng là, số học viên có việc làm sau học nghề đạt tỷ lệ 83,72%. Theo kế hoạch, trong năm 2017, đơn vị sẽ tổ chức đào tạo sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 1.195 LĐNT.

Hưởng lợi và áp dụng có hiệu quả những kinh nghiệm học tập được từ lớp trồng cây ăn quả được tổ chức tại xã Thanh Mỹ, chị Vũ Thị Lý (SN 1965) hồ hởi: “Sau khóa đào tạo 3 tháng, tôi đã chuyển diện tích 6 sào đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển cây bưởi. Đến nay, nhờ công tác chăm sóc áp dụng kỹ thuật học được, diện tích bưởi phát triển tốt và đã bắt đầu cho quả bói. Thu nhập gia đình vì thế cũng được nâng lên, khoảng 2 – 5 triệu/tháng”.

Đánh giá cao chất lượng LĐNT sau đào tạo, đại diện Cơ sở sản xuất may Tân Phú (xã Tân Phú) chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi có đặc thù là sản xuất và may gia công nên nhu cầu tuyển dụng LĐ để mở rộng sản xuất rất lớn. Năm 2016, cở sở chúng tôi đã tuyển dụng 30 lao động đã qua đào tạo nghề. Nhìn chung, LĐ đáp ứng được yêu cầu công việc. Thời gian tới, chúng tôi vẫn có nhu cầu thuê thêm thợ và tuyển bổ sung LĐ đã qua các lớp đào tạo nghề”.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này