Những quy định chỉ tồn tại… “trên giấy”

Khó mấy cũng phải làm

10:44 | 01/12/2017
Thực tế cho thấy, từ những hành vi vứt rác, đi vệ sinh cá nhân… một cách bừa bãi hay việc dắt chó không rọ mõm, thả rông nơi công cộng đang làm cho Thủ đô ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một thành phố vốn có thế mạnh về phát triển du lịch. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên. Khó cũng phải làm, nhưng làm thế nào lại đang là vấn đề hết sức khó khăn.
ky 3 kho may cung phai lam Kỳ 2: Phạt ai, ai phạt?
ky 3 kho may cung phai lam Từ bạ đâu “xả đấy”

Ngay từ khi Nghị định 155/2016/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành và có hiệu lực từ 1/2/2017, nhiều địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Qua tìm hiểu, nhiều phường đã có thư ngỏ tới từng hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn để mong sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

ky 3 kho may cung phai lam
Ý thức của người dân là rất quan trọng.

Chính quyền phường cũng có bản cam kết với 100% các hộ dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời công bố những số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh những trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường để lực lượng chức năng kịp thời xử lý… Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù việc tuyên truyền rất sâu rộng, có bài bản nhưng ý thức của người dân dường như không thay đổi nhiều. Dư luận, chính quyền địa phương, những người làm luật… đều đồng tình với những quy định về xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Nhưng làm thế nào để những quy định này đi vào cuộc sống lại đang là bài toán nan giải.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Gia Ngọc, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phường Phương Liên, quận Đống Đa, cho biết: “Theo tôi để xử phạt được những hành vi xâm hại tới môi trường theo các quy định hiện hành cần thành lập những tổ chuyên trách để phát hiện, xử lý. Khi phát hiện vi phạm cần phải cương quyết xử lý rồi thông báo trên loa phường, gửi thông báo về việc xử lý người vi phạm về nơi họ đang làm việc. Đối với những người làm nghề tự do cần có sự vào cuộc của lực lượng công an để có biện pháp răn đe. Phải thực sự làm quyết liệt trong một thời gian, đồng bộ với công tác tuyên truyền thì dần dần, môi trường sống của chúng ta mới ngày càng được cải thiện”.

Theo 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành và có hiệu lực từ 1/2/2017, hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng quy định sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng; vứt đầu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt từ 1-3 triệu, tương tự phạt 5-7 triệu nếu vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố… Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Theo đó, nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng...

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, quận Đống Đa: Quan trọng nhất vẫn phải là biện pháp tuyên truyền. Tuyên truyền hàng ngày, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi vi phạm, chế tài xử lý vi phạm để người dân “thấm dần”. Nếu được, thành lập hẳn một tổ công tác để xử lý điểm những vi phạm trong một thời gian ngắn. Chế tài xử phạt đã đủ răn đe, xử phạt những hành vi gây ô nhiễm môi trường là cần thiết, khó đến mấy cũng phải làm. Theo tôi, cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể địa phương thì về lâu dài, vấn đề ô nhiễm môi trường mới thực sự giải quyết được.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội: Những quy định trên nhằm góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, thông qua mức phạt nặng sẽ góp phần răn đe đối với những người có hành vi vi phạm, nâng cao ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, nếu chỉ tập trung vào việc đặt ra mức phạt hoặc tăng mức phạt thì chưa đủ mà quan trọng nhất là khâu thực thi.

Vì vậy, trước tiên cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân quy định pháp luật, từ đó giúp nâng cao ý thức, góp phần vào việc họ sẽ tự giác chấp hành pháp luật thay vì tìm cách đối phó. “Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử phạt hành chính một cách nghiêm minh thì những quy định như Nghị định 90 hay Nghị định 155 sẽ đi vào cuộc sống”, luật sư Ngọc Anh chia sẻ.

H.Duy

Kỳ cuối: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này