Viện phí tăng, người bệnh không phải đóng thêm tiền?

01:04 | 17/08/2012
LĐTĐ - Ngay cả khi BHXH và Bộ Y tế tuyên bố rằng khi giá viện phí mới được áp dụng thì người bệnh không phải đóng thêm tiền thì trên thực tế lại hoàn toàn không như vậy.

Đây là thực tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế. Cơ sở này áp dụng khung giá mới từ 16/7 và điều chỉnh giá 447 dịch vụ.

Phổ biến nhất là dịch vụ siêu âm, giá đã tăng lên 35.000 đồng (trước kia là 20.000 đồng). Thế nhưng, giá siêu âm trên máy xã hội hóa lại là 50.000, như vậy người bệnh vẫn phải đóng thêm 15.000 đồng. Bệnh viện này có đến 9 máy siêu âm được xã hội hóa như vậy.

Thậm chí, có dịch vụ, số tiền bệnh nhân phải đóng thêm lên đến tiền triệu. Chẳng hạn với dịch vụ dùng dao gamma mổ sọ não (máy xã hội hóa), giá bệnh viện xây dựng là 45 triệu đồng, trong khi đó Bảo hiểm y tế chi trả 30 triệu, phần còn lại 15 triệu là do bệnh nhân đóng.

Bảng giá dịch vụ y tế thực hiện trên máy xã hội hóa của Bệnh viện Bạch Mai với mức giá cũ. Ảnh: N.P.

Chưa kể những người đồng chi trả 20% hoặc chỉ được hưởng 30% vì khám vượt tuyến thì số tiền họ phải đóng thêm không phải là nhỏ. Một số dịch vụ tại bệnh viện này cũng được xã hội hóa là chụp cộng hưởng từ (3 máy), Xquang kỹ thuật số (6 máy), máy CT (5 máy)...

Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều bệnh viện khác như K, Việt Đức... cũng thu thêm của bệnh nhân phần chênh lệch do dùng máy xã hội hóa. Hầu như các bệnh viện đều có máy xã hội hóa.

Trước đây, người bệnh vẫn phải nộp thêm khoản chênh lệch này, nhưng khi viện phí tăng họ kỳ vọng mình sẽ không phải đóng thêm tiền dịch vụ đã được bảo hiểm chi trả. Cả Bộ y tế lẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đều khẳng định các bệnh viện sẽ không được thu thêm tiền của người bệnh khi điều chỉnh viện phí.

Lý giải điều này, ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khi chưa tăng giá thì người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua nhiều loại thuốc, vật tư y tế tiêu hao. Khi đã tăng thì nếu cái nào đã kết cấu vào giá thì bệnh viện không được yêu cầu người dân mua thêm. Trừ vật tư đặc biệt thì phải ghi rõ là chưa bao gồm vật tư này. Chẳng hạn giá dịch vụ sinh thiết tủy xương là 110.000 đồng, nhưng chưa tính kim sinh thiết.

Còn nếu người bệnh sử dụng dịch vụ trên máy xã hội hóa thì khác. Nếu giá mới được phê duyệt bằng giá của máy xã hội hóa thì người bệnh không phải trả thêm. Nếu còn thấp hơn thì người bệnh vẫn phải đóng khoản chênh lệch. Nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng lên vẫn chưa thể bằng giá xã hội hóa, nên người bệnh vẫn phải đóng thêm tiền nhưng ít hơn so với trước.

Lý giải về sự khác biệt giữa 2 loại máy xã hội hóa và máy do nhà nước đầu tư, theo ông Phúc, chi phí dịch vụ cho máy xã hội hóa đã được tính đầy đủ, có cả chi phí khấu hao máy móc. Trong khi giá dịch vụ trên những máy được Nhà nước đầu tư thì mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành giá, không tính khấu hao máy móc.

Nếu giá bảo hiểm y tế chi trả thấp hơn giá xã hội hóa thì người bệnh phải nộp thêm phần chênh lệch. Ảnh: N.P.

Tuy nhiên, dù là máy xã hội hóa nhưng dịch vụ y tế được thực hiện trong các bệnh viện công, những nơi này vẫn được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, sửa chữa lớn, trả lương cho cán bộ. Càng nhiều máy móc xã hội hóa thì mức chi của quỹ bảo hiểm y tế, của người bệnh càng tăng.

"Mặt tích cực của máy xã hội hóa là tạo cơ hội cho người bệnh được hưởng dịch vụ tại nơi đó. Nhưng có thì lại làm tăng chi phí lên, cũng có thể xảy ra tình trạng lạm dụng", ông Phúc cho biết.

"Theo tôi thì Bộ Y tế nên đứng ra làm nhiệm vụ điều tiết. Ví dụ trong khu vực này chỉ cần một máy chụp PET/CT, bệnh viện này đầu tư máy chụp CT 256 dãy rồi thì bệnh viện kia thôi. Ngoài ra cũng cần đưa ra tiêu chí cụ thể khi nào thì cần chụp 256 dãy, hay 164 dãy, khi nào 128 dãy... ", ông Phúc nói.

Như tại một bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai đầu tư mua máy xã hội hóa chụp CT 128 dãy, rất cao cấp, trong khi máy chụp CT thông thường vẫn có thể phát hiện được bệnh. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang yêu cầu các địa phương có báo cáo toàn diện về việc sử dụng các máy xã hội hóa.

Nguồn VnE

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này