Tái diễn vi phạm giao thông Đường Vành đai 3 trên cao và Đại lộ Thăng Long:

Cần có thuốc đặc trị!

08:05 | 30/11/2017
Sau nhiều năm đưa vào khai thác, các tuyến đường cao tốc như: Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long… đã góp phần giảm tải ách tắc và tạo thông thoáng tại các nút giao cửa ngõ của Thủ đô. Tuy nhiên, tại các tuyến đường này, tình trạng vi phạm Luật Giao thông, phổ biến nhất là người đi bộ, xe máy, xe khách dừng đỗ, đón trả khách trên các tuyến này vẫn diễn ra mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng. Thực tế này cho thấy, cần có một giải pháp tích cực hơn nhằm giúp ngăn ngừa vi phạm không tái diễn.
can co thuoc dac tri Cần xử nghiêm vi phạm trên đường Vành đai 3 trên cao
can co thuoc dac tri Hà Nội: Đường vành đai 3 được xây cao ốc tối đa 50 tầng

Vi phạm tái diễn

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đường nhánh dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao, hướng đi cầu Thanh Trì – Pháp Vân, chỉ trong khoảng 1 giờ, có thể dễ dàng bắt gặp không dưới 5 vụ vi phạm giao thông. Trong đó vi phạm chủ yếu nhất vẫn là các phương tiện như ô tô dừng đỗ để đón khách, xe máy, xe ba gác… đi lên đường cao tốc. Đáng nói, các phương tiện vi phạm này thường lợi dụng thời điểm giờ tan tầm hoặc khi vắng bóng lực lượng chức năng để đi lên đường Vành đai 3 trên cao.

can co thuoc dac tri
Một xe khách chạy “rùa bò” để đón khách ngay trên đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao

Ngoài việc một số xe máy đi lên đường cấm thì dễ thấy nhất là nhiều nhà xe khi đến khu vực này đã cố tình đi với tốc độ “rùa bò” để “vợt” khách. Cụ thể, khoảng 11h30 ngày 24/11, một xe khách chạy tuyến Hà Nội – Phủ Lý đã dừng lại khá lâu trên đường dẫn để đón, trả khách. Do xe khách dừng đỗ ngay trên đường dẫn nên khiến không ít phương tiện tham gia giao thông thời điểm đó gặp khó khăn, phải lách sang bên trái đường để né tránh.

Thực tế, tuyến đường Vành đai 3 trên cao, tính từ khu vực Pháp Vân (quận Hoàng Mai) đến đoạn tiếp nối cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có nhiều đường dẫn lên, xuống với đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến và Phạm Hùng. Chính những điểm lên, xuống này thường bị các nhà xe lợi dụng để dừng, đỗ, đón trả khách. Hệ lụy nhãn tiền là, đội ngũ xe ôm chở khách, người đi bộ thản nhiên tụ tập, gây ùn ứ giao thông.

Tương tự, tại Đại lộ Thăng Long tình trạng mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc, dù được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 11 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội), mạnh tay xử lý. Tuy nhiên, mỗi khi đơn vị này vắng bóng, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Đội CSGT số 11 đã xử lý 590 xe máy đi vào đường cấm. Trong đó, tước giấy phép lái xe 509 trường hợp, xử phạt hành chính trên 500 triệu đồng.

Theo Đại úy Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, hành vi đi mô tô, xe máy vào đường cao tốc rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Một ví dụ mới đây, ngày 7/10, một trường hợp điều khiển xe máy Dream biển kiểm soát 36, lưu thông trên đường Vành đai 3 trên cao hướng Pháp Vân - Mai Dịch, khi đến gần khu vực Tòa nhà Keangnam đã không làm chủ tốc độ, đâm vào đuôi xe tải BKS 29C đỗ bên lề đường. Sau cú va chạm mạnh, nam thanh niên đã tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn khiến cho lưu lượng giao thông qua đoạn đường bị ùn tắc cục bộ.

Theo đại diện Đội CSGT số 6, cán bộ, chiến sĩ của Đội đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng xe mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc. Cụ thể, trong các tháng 9, 10, 11 Đội CSGT số 6 đã xử lý và phạt tại chỗ 895 trường hợp vi phạm trên đường Vành đai 3 trên cao. Trong đó, 15 xe mô tô và 1 xe ba bánh vi phạm đã bị xử phạt, tước giấy phép lái xe 6 tháng.

Tăng cường xử phạt nguội

Khách quan nhìn nhận, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông và các vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra tại đường Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long, là bắt nguồn từ ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn yếu kém.

Cần phải khẳng định, tại Điều 26 của Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: “Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”. Luật là vậy, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, đặc biệt là khi vắng bóng các chốt trực của lực lượng CSGT.

Theo Báo cáo 9 tháng đầu năm 2017 (từ ngày 16/12/2016 - 15/9/2017) của Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội. Hà Nội xảy ra 1.045 vụ tai nạn giao thông, làm 414 người chết, 828 người bị thương. Tai nạn giao thông chủ yếu vẫn xảy ra trên đường bộ với tỷ lệ: Nội thị: 426 vụ (40,8%); Quốc lộ: 274 vụ (26,2%); Tỉnh lộ: 141 vụ (13,5%); đường liên thôn, xã: 161 vụ (15,4%) và tai nạn ở trên đường cao tốc xảy ra 23 vụ, chiếm 2,2% số vụ tai nạn.

Ngoài ra, theo Đại úy Trần Quang Chinh, khi các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc như tuyến Vành đai 3 trên cao thường đi với tốc độ cao, lưu lượng phương tiện trên trục đường lại đông. Bởi vậy, bản thân người vi phạm thường có thái độ bất chấp, sẵn sàng quay đầu xe mỗi khi thấy bóng lực lượng CSGT. Lực lượng CSGT mặc dù được phép xử lý các vi phạm, tuy nhiên ưu tiên hơn cả vẫn là tính mạng con người nên với người vi phạm hoặc xe khách vi phạm, CSGT phường để phương tiện đến khu đường rộng mới cho dừng để nhắc nhở.

Đề cập đến phương hướng, giải pháp xử lý tận gốc những vi phạm giao thông trên đường cao tốc như Vành đai 3 trên cao và Đại lộ Thăng Long, theo Đại úy Trần Quang Chinh, yếu tố đầu tiên vẫn là việc nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.

Nói sâu hơn về phương hướng xử lý các vi phạm tại đường Vành đai 3 trên cao, đại diện Đội CSGT số 6 cho rằng thời gian tới Đội sẽ ưu tiên, đẩy mạnh xử phạt nguội qua các camera. Chia sẻ bên lề về việc đẩy mạnh xử lý vi phạm qua “mắt thần”, Đại úy Trần Quang Chinh cho biết, vấn đề này hiện đang gặp phải những khó khăn nhất định. Nhiều camera giám sát trên Vành đai 3 trên cao đã bị một số đối tượng đập phá. “Hôm vừa rồi chúng tôi phải làm đề xuất sửa một loạt camera. Bởi camera lắp đặt rồi nhưng bị một số đối tượng đập vỡ” - đại diện Đội CSGT số 6 chia sẻ.

Rõ ràng, trước tình trạng tái diễn vi phạm trên các tuyến đường cao tốc, công tác kiểm tra, xử lý nếu chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT, công an hay thanh tra giao thông - vận tải… thì không xuể mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Ngoài ra, khâu tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông cũng cần được tích cực, đẩy mạnh.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này