Cư dân bãi giữa sông Hồng “lên bờ” sinh sống:

Những nỗi lo hiện hữu!

15:50 | 27/11/2017
Được sự vận động của chính quyền địa phương, toàn bộ cư dân ở khu vực bãi giữa sông Hồng sau nhiều năm sinh sống trên các thuyền bè đã chuyển lên bờ định cư để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, song song với đó là những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền luôn hiện hữu.
nhung noi lo hien huu Yêu cầu xử lý vi phạm pháp luật tại bãi giữa sông Hồng
nhung noi lo hien huu Trung thu cho trẻ em lao động nhập cư
nhung noi lo hien huu Lênh đênh con chữ ở bãi giữa sông Hồng

Khu vực bãi giữa sông Hồng (thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) trước đây từng có nhiều nhà thuyền, nhà bè tập hợp lại thành một khu dân cư. Những người sinh sống ở đây chủ yếu từ các tỉnh lẻ về Hà Nội lao động bằng nhiều nghề để mưu sinh. Họ sống tạm bợ trên những chiếc thuyền bè cũ nát và luôn phải đối mặt với những mối lo về bệnh tật vì phải sinh sống trong môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch để sinh hoạt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cả những cư dân ở bãi giữa sông Hồng cũng luôn nơm nớp lo sợ thiên tai, bão lũ sẽ cướp đi nơi ở, thậm chí là sinh mạng của họ bất cứ lúc nào.

Trước những nguy cơ đó, chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động các hộ dân ở bãi giữa sông Hồng lên bờ sinh sống để đảm bảo an toàn và giải quyết những mối lo về bệnh tật, thiên tai. Đầu tháng 11 vừa qua, toàn bộ cư dân đang sinh sống ở khu vực bãi giữa sông Hồng đã chuyển lên bờ định cư, bắt đầu một cuộc sống mới với đầy đủ các điều kiện cần thiết như điện, nước sạch … nhưng kèm theo đó là những nỗi lo về tiền ăn, tiền thuê trọ luôn hiện hữu.

nhung noi lo hien huu
Lên bờ, điều kiện sinh sống tốt hơn nhưng vợ chồng bà Lê Thị Hạnh lại phải lo nỗi lo về tiền ăn, tiền ở. Ảnh Mai Quý

Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Tuyết (69 tuổi, quê Thái Bình) đã sinh sống ở bãi giữa sông Hồng hơn 15 năm cho biết: “Sau khi được chính quyền vận động lên bờ sinh sống, tôi cảm thấy yên tâm và an toàn hơn vì có mái nhà để trú ngụ, không còn sợ bão lụt, nước lớn, nước ngập. Ngoài ra, chúng tôi còn được sử dụng nước sạch để sinh hoạt, chứ ở dưới kia thì không có”.

Nay lên bờ, điều kiện sống tốt hơn nhưng tôi lại thêm nỗi lo tiền thuê trọ, tiền điện, tiền nước mỗi tháng cũng cả triệu bạc. Mà tôi thì già yếu rồi, không ai thuê đi làm cả, hằng đêm ra chợ Long Biên nhặt con tôm con tép rơi vãi và thu lượm ve chai bán để kiếm tiền mưu sinh. Làm quần quật cả đêm cũng chỉ kiếm được vài chục bạc, nhiều khi mưa gió, ốm đau không đi làm được thì chẳng biết trông chờ vào đâu – Bà Tuyết thở dài.

Cùng một nỗi lo với bà Tuyết, bà Lê Thị Hạnh (54 tuổi, quê Bắc Ninh) đã sống ở dưới bãi giữa sông Hồng 7 năm, nay chuyển lên bờ sinh sống, cả hai vợ chồng già luôn đau đáu một nỗi lo về tiền ăn, tiền thuê trọ. Bà Hạnh chia sẻ: “Chồng tôi năm nay đã gần 70 tuổi, đang làm công việc quét dọn ở ga Long Biên, kiếm được vài đồng nhưng cũng chẳng đủ ăn. Còn tôi thì ốm đau bệnh tật triền miên, hôm nào khỏe thì đi gánh hoa quả ở chợ đêm Long Biên, gánh cả đêm được ba bốn chục bạc, giỏi lắm thì được trăm nghìn.

Ngày trước sống ở dưới bãi giữa sông Hồng, vợ chồng tôi không phải mất tiền thuê trọ, chỉ lo tiền ăn, tiền nước. Có những ngày không kiếm được đồng nào, hai vợ chồng ăn gói mì, không thì bòn nhặt vài cọng rau dại nấu lên là xong bữa. Lên bờ sinh sống lúc nào cũng phải lo làm sao kiếm đủ tiền nhà, tiền điện, nước nếu không thì chủ nhà không cho ở, mà khoản tiền nhà thì chúng tôi chịu rồi, không lo được”.

Theo ông Thành (63 tuổi, quê Sơn Tây) chia sẻ: “12 hộ dân chúng tôi đang sinh sống ở khu bãi giữa sông Hồng nay chuyển lên bờ để ổn định cuộc sống, phần đông là những người lớn tuổi, sức lao động không còn nên chẳng ai thuê mướn. Bảo về quê thì có người không còn người thân, hộ khẩu ở quê cũng không còn mà xét cho cùng thì về quê cũng không biết làm gì nên đa số quyết định bám trụ ở Hà Nội.

Trước đây, có sức khỏe thì tôi còn đi gồng gánh thuê, giờ già yếu rồi phải đi nhặt phế liệu để kiếm sống qua ngày. Hồi đầu tháng 11 chuyển lên đây, chính quyền hỗ trợ cho mỗi hộ dân 2 triệu đồng để ổn định cuộc sống nhưng về lâu dài thì chúng tôi không biết sẽ phải làm thế nào”.

Bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình cũng như nhiều người dân ở khu vực bãi giữa sông Hồng nay đã lên bờ sinh sống, bà Trần Thị Tuyết nói: “Chỉ mong sao chúng tôi có sức khỏe để đi làm kiếm sống, lo tiền nhà. Cũng mong chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ để chúng tôi được ổn định cuộc sống về lâu về dài”.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương đã có những nỗ lực rất lớn để vận động các hộ dân khu vực bãi giữa sông Hồng lên bờ sinh sống để đảm bảo an toàn cho người dân và đã có những hỗ trợ bước đầu để họ ổn định cuộc sống. Mong rằng, chính quyền địa phương, các ban ngành và tổ chức xã hội hãy cùng chung tay để giúp đỡ những cư dân này ổn định cuộc sống về lâu dài ở trên bờ.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này