Chuyển dịch cơ cấu việc làm của lao động dân tộc thiểu số còn chậm

18:17 | 23/11/2017
Tốc độ chuyển dịch cơ cấu việc làm của các nhóm lao động dân tộc thiểu số (DTTS) chậm và gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ người LĐ làm việc trong nông nghiệp cao gấp 2 lần người dân tộc Kinh, trong khi đó ở lĩnh vực công nghiệp chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ của cả nước. 
chuyen dich co cau viec lam cua lao dong dan toc thieu so con cham Phụ nữ dân tộc thiểu số yếu thế hơn trong phân công lao động
chuyen dich co cau viec lam cua lao dong dan toc thieu so con cham Tuyên dương 161 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2017

Khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam thông qua lăng kính giới do Ủy Ban dân tộc (UBDT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ mới công bố cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, phụ nữ DTTS cũng là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

chuyen dich co cau viec lam cua lao dong dan toc thieu so con cham
Cơ cấu việc làm của người DTTS phần lớn gắn với nông nghiệp và lâm nghiệp. (Ảnh minh họa).

Khảo sát cũng cung cấp số liệu về tình trạng việc làm và thu nhập của người DTTS, theo đó LĐ DTTS tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ, từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,5%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người kinh là 74,9%.

Tuy nhiên, cơ cấu việc làm của người DTTS vẫn khá lạc hậu, phần lớn gắn với nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và lâm nghiệp. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phần lớn người DTTS vẫn áp dụng kỹ thuật sản xuất lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp. Người DTTS còn hạn chế trong tiếp cận thông tin về thị trường nên hiệu quả sản xuất kém.

Cách thức sinh kế đơn giản như cha mẹ cho trẻ em theo lên nương từ nhỏ nên người DTTS có việc làm rất cao và hầu hết làm việc trong nông nghiệp, tỷ lệ lên tới 81,4%. Ngược lại, tỷ lệ LĐ DTTS có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp mới đạt 8,7%, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ của cả nước.

Trong cơ cấu nghề nghiệp, người LĐ DTTS tập trung nhiều nhất ở việc làm LĐ giản đơn 67,6%, tiếp đến là LĐ có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp 17,5%, LĐ thủ công 4,9%, nhân viên bán hàng và dịch vụ 4,3%.

Rất ít LĐ DTTS có thể đảm nhiệm các nghề nghiệp yêu cầu kiến thức và kỹ năng bậc trung và cao như LĐ quản lý; nhà chuyên môn bậc cao và bậc trung.Điều này còn được thể hiện ở trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, LĐ DTTS từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,9%, cao hơn 3,5 lần so với LĐ DTTS 5,7%.

Về thu nhập hầu hết người DTTS làm việc và họ chấp nhận công việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của hộ gia đình DTTS năm 2015 là 1.161.000 đồng/người/tháng, chỉ tương đương với 45% mức bình quân chung của cả nước (2.605.000 đồng/người/ tháng) và bằng 41% mức bình quân của dân tộc Kinh (2.888.000 đồng/người/ tháng).

Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cho biết, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ học vấn thấp, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, rào cản ngôn ngữ và điều kiện địa lý - kinh tế - xã hội khó khăn là nguyên nhân của tình trạng trên.

Thời gian tới Uỷ Ban dân tộc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng DTTS và miền núi một cách bền vững, đáp ứng được nhu cầu việc làm và thu nhập thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.

Mai Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này