Chưa xử lý được trường hợp nào nghe điện thoại tại cây xăng

13:12 | 21/08/2012
LĐTĐ -Gần 20 ngày khi quy định xử phạt hành vi nghe điện thoại di động tại cây xăng có hiệu lực, cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội chưa xử lý một trường hợp nào vì thiếu chế tài, không đủ người để "bắt quả tang".

Nghị định 52 (có hiệu lực từ 5/8) quy định phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng nếu sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động ở những nơi có quy định cấm, trong đó có trạm xăng.

Qua gần 20 ngày triển khai, thượng tá Tô Xuân Thiều (Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Nội) nhận thấy một số vấn đề bất cập mà các cơ quan chức năng cần phải bàn thêm. Thực tế, các nhân viên cây xăng là người trực tiếp, dễ dàng phát hiện vi phạm nhưng không có quyền xử phạt. Còn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì không thể giăng quân, túc trực tại hết các điểm này để "bắt quả tang".

Cũng theo ông Thiều, khó khăn khác trong việc phát hiện xử lý vi phạm là thiếu chế tài. Nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng nhưng làm thế nào để người vi phạm phải nộp số tiền đó thì chưa có quy định. "Nếu cảnh sát giao thông có quyền giữ xe, bằng lái của người vi phạm thì cảnh sát phòng cháy chữa cháy lại không thể được gì", vị thượng tá nói.

Thượng tá Thiều cho hay, từ khi ban hành nghị định đến nay, cơ quan này chưa xử lý một người vi phạm nào. Biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là tuyên truyền để nhân dân tự giác chấp hành.

Người dân nghe điện thoại ở cây xăng sẽ bị phạt có thể tới 5 triệu đồng. Ảnh: V0V
Người nghe điện thoại ở cây xăng sẽ bị phạt có thể tới 5 triệu đồng. Ảnh: V0V

Theo tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), việc hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng không bị xử phạt kịp thời đã làm cho quy định thiếu tính nghiêm minh, gây ra tình trạng "nhờn luật".

Ông Sơn nhận thấy, trước đó khi thẩm định dự thảo Nghị định 52, Bộ Tư pháp đã không có ý kiến về tính hợp pháp cũng như tính hợp lý của việc xử phạt.

"Bộ trưởng có thể giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì nghiên cứu về thực trạng thi hành pháp luật liên quan đến nội dung này của Nghị định số 52 để kịp thời có báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng", ông Sơn bày tỏ quan điểm trong văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp.

Nguồn VnE

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này