Rất đáng suy nghĩ!

09:45 | 17/11/2017
“Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”… - Bác lại vừa đưa cháu đến trường hay sao mà phấn khởi thế?
rat dang suy nghi “Cho vàng tỏa sáng”
rat dang suy nghi Kể cũng khó thật!
rat dang suy nghi Đúng là anh hùng!

- Phấn khởi gì đâu. Hôm nay đưa cháu đến trường mầm non, tớ bỗng dưng lại thấy ám ảnh bởi những giọt nước mắt của cô giáo mầm non ở Nghệ An.

- Bác muốn nói đến cô giáo Lan, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề “nuôi dạy trẻ”, khi về hưu chỉ được nhận 1,3 triệu đồng mỗi tháng phải không?

- Đúng vậy, cái hình ảnh cô Lan “rơi nước mắt” khi chia sẻ, với 1,3 triệu đồng (xin nói thêm để có 1,3 triệu này là Nhà nước đã phải bù thêm 37.000đ cho đủ lương cơ sở rồi đấy), tớ dám chắc ai cũng mủi lòng. Cô nói trong nước mắt: Với số tiền này, chỉ lo cho bản thân cũng chưa đủ, nói chi đến giúp đỡ gia đình.

-Rõ quá còn gì bác. Dưng cơ quan BHXH thực hiện đúng chế độ mà bác. Mặc dù cô Lan công tác hơn 30 năm, song chỉ có 22 năm tham gia BHXH, với lương cơ bản 1,8 triệu đồng nhân với 69% là 1.263.000đ…

-Tớ không nói BHXH thực hiện sai, vấn đề là cơ chế chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non đã đến lúc phải có những thay đổi cơ bản, nếu không các cô thiệt thòi quá.

-Mà em thấy nghề “nuôi dạy trẻ” là một nghề rất vất vả. Đấy, con cháu mình hẳn hoi nhé, vậy mà hôm nào phải trông cháu là tướt mồ hôi. Hôm nào mà các cô có việc bận cho các cháu nghỉ là y như rằng nháo nhào tất cả.

-Chính vì thế tớ mới càng thấy ám ảnh trước những những giọt nước mắt của cô Lan.

-Chả phải mình cô Lan đâu bác ạ. Trong đội ngũ những cô giáo mầm non rất nhiều người có chung hoàn cảnh, thậm chí còn đáng rơi nước mắt hơn cô Lan. Mới đây lại có chuyện “Cô Cầm không đồng”.

-Cụ thể thế nào, nghe chú nói cứ như tên cuốn tiểu thuyết vậy.

-Tiểu thuyết là hư cấu. Chuyện này thật 100%, chả là em vừa đọc trên báo Phụ nữ VN, phản ánh chuyện cô Phạm Thị Cầm, ở Lý Nhân, Hà Nam, sau 35 năm dạy trẻ, khi về hưu cô chỉ được nhận vỏn vẹn hơn 7 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần từ BHXH, còn không có một đồng lương hưu hằng tháng nào.

-Ra vậy, đúng là “cô Cầm không đồng”. Dưng vì sao mà nên nỗi vậy?

-Kể thì dài dòng lắm, nói ngắn là, cô Cầm “nuôi dạy trẻ” từ năm 1976, lương của cô khi ấy được tính bằng công điểm, quy ra được 7kg thóc/tháng. Mãi đến năm 2004, sau gần 30 năm dậy trẻ, cô mới được đóng BHXH, tiền lương đã thấp, thời gian từ khi đóng bảo hiểm đến khi nghỉ hưu có 7 năm 8 tháng tham gia đóng bảo hiểm nên không đủ chế độ lương hưu.

-Rõ khổ. Hơn 7 triệu cho 35 năm cống hiến, còn ai khổ hơn cô nữa. Rõ ràng cần có một chính sách đột biến thế nào để ghi nhận và bù đắp cho các cô giáo mầm non do lịch sử để lại. Nếu không sẽ còn nhiều giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt khắc khổ, như cô Lan, cô Cầm…

-Trước thực trạng này, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều vị đại biểu cũng rất quan tâm, thảo luận tìm cách gỡ, song để giải quyết được quyền lợi cho các cô, ít nhất là đủ sống tối thiểu, là cả một hệ thống chính sách, không thể giải quyết ngay được.

-Tất nhiên là thế. Dưng tớ nghĩ đây là vấn đề lớn rất đáng được quan tâm sớm. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, vậy mà những người nuôi dưỡng cái “thế giới ngày mai” ấy lại có tương lai “rơi nước mắt” như vậy là không thể được.

-Tại diễn đàn Quốc hội cũng đã khẳng định giáo dục mầm non là một trong 4 hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy, khi giáo viên tham gia dậy thì phải cho họ được tham gia BHXH bắt buộc ngay từ đầu. ĐBQH Bùi Sĩ Lợi cho rằng,bài toán đặt ra là phải nghiên cứu chính sách để cải cách lại hệ thống BHXH, mức đóng phải cao lên, từ đó tiền lương trả cho giáo viên cũng phải cao lên.

-Để làm sao, khi các cô giáo đến tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo được 75% tiền lương và phải đủ sống khi tuổi già, phải không chú?

-Đúng. Từ câu chuyện của cô Lan, cô Cầm, em nghĩ rằng ý kiến của ĐBQH Bùi Sĩ Lợi là rất đáng suy nghĩ.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này