Giảm bạo lực học đường: Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý

21:23 | 16/11/2017
Như LĐTĐ đã đăng tải loạt bài “Bạo lực học đường: Đường đi và lối thoát” (trên các số báo 133,134,135, từ ngày 5 - 10/11), xoay quanh chủ đề này, chúng tôi tiếp tục nhận được những trao đổi, chia sẻ của một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về  giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. 
giam bao luc hoc duong giao vien cung can duoc tu van tam ly Bài cuối: Cảm hóa bằng tình thương
giam bao luc hoc duong giao vien cung can duoc tu van tam ly Bài 2: Giải bài toán bạo lực gia đình
giam bao luc hoc duong giao vien cung can duoc tu van tam ly Hạn chế tối đa bạo lực học đường
giam bao luc hoc duong giao vien cung can duoc tu van tam ly Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

Theo ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị, tư tưởng Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, ngày nay, hiện tượng học sinh thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng thầy cô phải khẳng định là đang có chiều hướng tăng lên theo từng cấp học. Hiện tượng chia bè phái, gây mất đoàn kết, đánh lộn nhau có vũ khí thậm chí gây ra án mạng đã xảy ra, ngay cả với học sinh THCS. Chuyện đánh nhau không chỉ dừng lại ở học sinh nam mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở cả học sinh nữ. Nhiều vụ việc xảy ra không chỉ đơn thuần là cá nhân với nhau mà xuất hiện, hình thành phe cánh.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Kiều Cao Trinh: “Trên hết, đó là sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý học sinh còn thiếu chặt chẽ. Môi trường giáo dục trong các nhà trường nói chung hiện nay có những hiện tượng phản văn hóa tác động hàng ngày tới học sinh. Còn một số nhỏ giáo viên chưa thực sự gương mẫu trong cách sống làm mất niềm tin đối với học sinh và gây tổn thương tâm lý các em. Đặc biệt, gia đình ảnh hưởng rất lớn tới các em. Đây là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho học sinh…”.

Còn theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý vùng dự án Hà Nội thuộc Tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam, bạo lực giới trong nhà trường không thể chấm dứt hoàn toàn, nhưng sẽ giảm thiểu được thông qua tư vấn. Học sinh có thể được phát hiện sớm, xử lý thông qua hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học. Những hoạt động này được định hướng gồm tư vấn theo nhóm hoặc toàn trường thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, hướng dẫn chiến lược, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn học đường; với hai hình thức tham vấn cá nhân hoặc tham vấn nhóm tập trung cho những học sinh có kết quả học tập sa sút, học sinh sợ đi học, sợ đến trường.

Nhiệm vụ quan trọng nữa của phòng tư vấn là tư vấn cho phụ huynh, giáo viên, người liên quan. “Bởi thực tế trong 2 năm (2015, 2016) thực hiện thí điểm tư vấn tâm lý tại 20 trường học của Hà Nội, ngoài hơn 6.000 học sinh, có gần 250 phụ huynh và gần 200 giáo viên tìm đến hoạt động này trong các trường học” - bà Lê Quỳnh Lan cho hay.

Đồng quan điểm, ông Kiều Cao Trinh cho hay, hiện nay nhiều trường học ở Hà Nội đã chủ động bố trí phòng tư vấn tâm lý học đường, trong đó cán bộ tư vấn là Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên, đội thiếu niên, đại diện Hội cha mẹ học sinh. Phòng tham vấn không chỉ hỗ trợ riêng cho học sinh mà còn là nơi giáo viên, phụ huynh có thể tìm tới khu có nhu cầu. Tại đây, người cần tham vấn sẽ được trợ giúp khai thác tiềm năng của mình và xử lý tình huống khi bản thân gặp phải. “Có thể nói, công tác tư vấn học đường là hoạt động rất cần thiết. Nó khắc phục đáng kể tình trạng bạo lực, giảm căng thẳng đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh”- ông Trinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiều Cao Trinh cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng bạo lực học đường, cần sự phối hợp đồng bộ giữa 3 chủ thể là: gia đình, nhà trường và xã hội. tuy nhiên, vị trí quan trọng nhất vẫn là gia đình, nơi các em dành phần lớn thời gian sinh hoạt cũng như chịu ảnh hưởng lớn nhất. Do đó, để không tạo điều kiện “xây dựng” tâm lý tiêu cực, hành vi bạo lực cho trẻ. Trước hết, cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con cái noi theo. Gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng tỏa sáng. Phụ huynh nên tránh sức ép về lao động mưu sinh mà “khoán trắng” giáo dục con trẻ cho nhà trường. Bên cạnh đó, gia đình nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong biện pháp quản lý, giám sát học sinh. Nhất là qua những buổi họp cha mẹ học sinh, hệ thống sổ liên lạc…

Kim Thoa – Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này