Hoàn thiện quy trình chẩn đoán và điều trị tim bẩm sinh ngay trong bào thai: Tạo ra hy vọng sống

12:12 | 02/11/2017
Ths.BS Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết: “Đảo gốc động mạch là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, chiếm khoảng 5 - 7% số trẻ bị dị tật tim và khoảng 20 - 30/100.000 trẻ sinh ra. Dị tật này có thể gây ra tử vong nhanh chóng ngay sau khi sinh, nếu không được cấp cứu kịp thời”.
tao ra hy vong song Hàng năm có 12.000 trẻ mới sinh mắc chứng tim bẩm sinh

Theo các bác sĩ Bệnh viện E, bệnh viện vừa cứu sống thành công một cháu bé bị mắc bệnh đảo gốc động mạch. Cháu bé may mắn trong trường hợp trên là Bùi Nguyễn Hải Anh (26 ngày tuổi, ở Liên Chiểu, Đà Nẵng). Cháu bé được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh phức tạp từ trong bụng mẹ khi được 21 tuần tuổi.

tao ra hy vong song
Bác sĩ đang thăm, khám lại cho cháu Nguyễn Hải Anh.

Để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con, sản phụ được các bác sĩ tư vấn trong thời kỳ mang thai và được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi sinh. Điều đặc biệt, cháu bé được cứu sống là nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội nhi tim mạch ở Bệnh viện E khi sản phụ chuyển dạ. Sau khi sinh, cháu bé được bác sĩ nội tim nhi hồi sức ngay và chăm sóc đặc biệt duy trì sự sống đến ngày trẻ được phẫu thuật thành công.

TS. Đỗ Anh Tiến - Phó Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực cũng cho biết thêm, trong quá trình phẫu thuật, nhất là đối với bệnh nhi trong quá trình sơ sinh như cháu Hải Anh thì việc gây mê và chạy tim phổi nhân tạo là vô cùng khó khăn. Thời gian mổ thường kéo dài 5-6 giờ, chỉ cần một chỉ số tuần hoàn thay đổi cũng có thể gây ra tử vong ngay trên bàn mổ.

Do đó đòi hỏi phải có thiết bị gây mê hồi sức chuyên dụng cho phẫu thuật này. Sau phẫu thuật, vấn đề hậu phẫu phải được theo dõi từng phút, phải đảm bảo tốt chức năng hô hấp cho bệnh nhi. Đến nay, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E không chỉ làm chủ được kỹ thuật tim bẩm sinh khó nhất này mà còn tiến hành mổ thường quy, nhằm mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Ca phẫu thuật được tiến hành thành công, cháu bé sẽ có khả năng sống và phát triển giống như người bình thường.

GS.TS Lê Ngọc Thành -Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, việc bệnh viện hoàn thiện được quy trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị tim bẩm sinh ngay trong bào thai, dưới sự kết hợp giữa sản và tim ngay trong phòng mổ sẽ tạo cơ hội sống cho trẻ mắc tim bẩm sinh, trong đó có nhiều thể tim bẩm sinh nặng như đảo gốc động mạch như cháu bé kể trên. Đây là một bước tiến của ngành y tế Việt Nam.

GS. Thành khuyến cáo, với các tật về tim bẩm sinh hoàn toàn có thể được phát hiện bằng siêu âm chẩn đoán trước sinh và sau sinh. Do vậy khi đi khám thai định kỳ, cần phải chú ý đến tim thai xem có gì bất thường (nếu cần thiết phải có một đợt kiểm tra tim thai bởi các bác sĩ tim mạch nhi khi thai được 18-22 tuần tuổi). Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, trong quá trình mang thai, các bà mẹ nên kiểm tra sức khỏe thai nhi định kỳ để phát hiện dị tật trước sinh. Qua đó giúp các bé sớm tiếp cận với chăm sóc y tế ngay sau sinh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Với những dị tật tim thai được bác sĩ sản khoa phát hiện cần phải có sự phối kết hợp với bác sĩ tim bẩm sinh và theo dõi chặt chẽ tại những cơ sở y tế có hội đủ 2 yếu tố sản khoa và tim mạch nhằm điều trị, cấp cứu kịp thời các dị tật tim bẩm sinh ngay sau khi trẻ chào đời.

Nhờ sự phối hợp này, hàng trăm sản phụ đã được chẩn đoán, sàng lọc tim bẩm sinh ngay trong bào thai từ khi còn rất sớm, từ 16-20 tuần tuổi. Có hàng chục trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh đã được sinh tại Bệnh viện E và được cấp cứu, can thiệp, phẫu thuật thành công ngay từ những giờ đầu sau sinh tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này