Những người “…Ngồi lê thành phố”

12:06 | 12/09/2014
LĐTĐ - Những tưởng: “Giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” vào thời buổi xây dựng nông thôn mới, rồi quá trình đô thị hóa nhanh đến chóng mặt…đã trở thành dĩ vãng. Ấy vậy, không chỉ người nhà quê ra thành phố  “ngồi lê”mà ngay cả người “kẻ chợ” cũng vậy.

Vài chục năm trước, trên con phố nào ở Hà Nội, cũng như nhiều TP khác, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người làm nghề, mà ngày nay chỉ còn nhìn thấy… qua phim ảnh, ví như hàn dép, gò sửa bếp trấu, nhuộm vải… Cùng với sự phát triển của đô thị, một số nghề kiếm sống của người dân thị thành đã bị “lỗi thời”, số khác vẫn còn phù hợp cùng sự xuất hiện của những nghề kinh doanh mưu sinh mới. Bởi vậy, hiện nay ở các đô thị hiện đại vẫn không thiếu những người dân đang mưu sinh bằng những nghề “lặt vặt” có từ lâu đời…Đặc biệt, một bộ phận cư dân nông thôn đã lấy lòng đường, vỉa hè thành phố làm nơi mưu sinh.

Không khó tìm kiếm những người “ngồi lê” thành phố kiếm sống. Ở bất cứ dãy phố nào ở Hà Nội, chúng ta đều bắt gặp những cảnh đời “ngồi lê” như vậy. Với họ, đơn giản chỉ là, “ngồi lê” ở thành phố còn hơn về quê làm ruộng, họ quyết bám trụ ở Hà Nội bất chấp việc làm ăn ngày càng khó khăn.

Mới đây, tôi bắt gặp người chị họ đang bán nem chua ở trước cổng trường đại học Quốc gia Hà Nội. Chị cười bẽn lẽn: “Chị bỏ chồng con ở quê ra thành phố làm ăn. Ban đầu làm osin nhưng do lương thấp quá, chị xin nghỉ.

Sau hơn một năm bươn trải ở thị thành, chị nảy ra ý định bán nem chua…”  Đến nay, chị đã bán được gần 3 năm, thu nhập mỗi ngày từ 300.000 - 500.000 đồng. Thấy có đồng ra, đồng vào, chị về quê rủ anh em, họ hàng cùng ra thành phố với mình…

Thế là cả gia đình 5 người ra Hà Nội chỉ làm duy nhất một nghề: bán nem chua ở vỉa hè. Chuyện cả gia đình, cả họ, cả làng ra thành phố kiếm ăn không còn hiếm ở Hà Nội, nếu không nói là quá phổ biến. Vì thế mới sinh chuyện, các vùng quê nghèo chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại còn thanh niên, trai tráng, người lao động chính trong gia đình đều rời bỏ quê hương ra thành phố lập nghiệp…

Như để biện minh cho mình, chị cười và bảo, không phải chỉ dân nhà quê chúng tớ mới  cả nhà “ngồi lê” thành phố đâu nhé. Dân Hà Nội cũng ối ra đấy. Và rồi chị dẫn chứng, ví như  gia đình chị Minh Phượng, ở  đường Láng, Đống Đa (Hà Nội). Nhà chị Phượng có 5 người thì ba người buôn bán vỉa hè để kiếm sống. Ban đầu, cũng chỉ có mình chị ra bán nước vỉa hè, nhưng thấy kiếm được nên tìm chỗ cho hai thành viên trong gia đình cùng bán.

Công việc bán nước vỉa hè xem ra kiếm ăn được. Ấy mới xuất hiện những con phố, vỉa hè “chuyên doanh” trà đá, trà chanh…Tụ điểm trà đá, trà chanh ở ngõ 175 Xuân Thủy như một minh chứng của những người “ngồi lê”  biết biến vỉa hè, lòng đường thành “con gà đẻ trứng vàng”…Những người “ngồi lê” có tài kiếm tiền ở lòng đường, vỉa hè thành phố phải kể tới giới sinh viên.

Nhiều cô cậu hình như “thấm nhuần” phương châm “giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, nên sau khi ra trường, thậm chí có người đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không ngần ngại “hành quân” ra đường. “Bán ngoài vỉa hè chẳng phải lo tiền thuê mướn mặt bằng, khách hàng cũng dễ tính hơn nhiều. Kinh doanh cửa hàng, giỏi lắm cũng chỉ đủ tiền thuê cửa hàng, lỗ thì triền miên…

Giờ bán hàng vỉa hè tuy vất vả hơn nhưng đổi lại, lợi nhuận hàng tháng hiện nay khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, đi lại…”, Lê Thị Thu Hương, tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, hồ hởi cho biết. Hương vừa sang nhượng cả một shop quần áo trên đường Chùa Bộc để đổ hàng ra vỉa hè bán rong.

Đến nay, điểm bán hàng mới của Hương mặc dù tạm bợ nhưng lại trở thành nơi mua hàng yêu thích của sinh viên, của những người lao động có thu nhập thấp. Bán được nhiều hàng, tiền nong rủng rỉnh, nên Hương mừng ra mặt. Theo chân Hương, có rất nhiều sinh viên cũng đã chọn con đường “ngồi lê” thành phố để mưu sinh, mặc cho những kiến thức đã thu nạp được trên ghế nhà trường mai một dần.

Nhiều cô cậu đùa rằng, đó là “của để dành”. Không biết đến bao giờ “của để dành” của họ mới được dùng tới…

Nói vậy nhưng không phải ai “ngồi lê” cũng suôn sẻ. Phượng, sinh viên đại học Lao động xã hội cũng quyết tâm mở một bàn trà đá, giải khát bên hè gò Đống Đa, song chỉ được 2 tối đành phải bỏ cuộc vì bị “ma cũ” bắt nạt và đội trật tự hè phố thu “phương tiện” hành nghề.

Có những người “ngồi lê” thành phố gần như suốt cuộc đời. “Đệ nhất đánh giầy kinh thành” là một ví dụ điển hình. Vỉa hè nơi ông ngồi đánh giầy cho khách đã trở thành một địa chỉ nằm lòng của nhiều người…Nhiều bài báo đã viết về ông.

Tuy nhiên có nhiều người không nổi tiếng nhưng không thua kém ông về độ thời gian “ngồi lê”. Người đàn ông bơm vá xe đạp, tôi gặp trên đường Giải Phóng, Hà Nội là một người như vậy. Ông  có ngót 40 năm làm nghề vá săm xe đạp. Trong 40 năm, ông có tới 5 lần thay đổi vị trí “ngồi lê”. Nghề bơm vá xe đạp đủ để ông nuôi được một bà vợ ốm đau quanh năm và hai người con…

Bây giờ, cho dù thiên hạ không mấy người đi xe đạp, ông vẫn bám lấy nghề để sống. Có chăng, ông “đầu tư” thêm nghề bơm vá xe máy. Và rồi cuộc sống vẫn trôi chảy…Ông không xưng danh mà bảo, cứ gọi tôi là lão già “ngồi lê” thành phố là được. Những người như tôi có cả ngàn, cả vạn…

Hà Nội, cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, đã thay da, đổi thịt từng ngày. Phố phường, đường xá trở nên khang trang, lộng lẫy…những người “ngồi lê”, ở một mặt nào đó đang làm cho bộ mặt đô thị trở nên xấu xí. Biết vậy nhưng với nhiều người không “ngồi lê” thì tồn tại như thế nào đây? Câu hỏi này hẵn còn đau đáu dài dài/

Bảo Sơn
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này