Xem xét nghiêm túc những vấn đề báo Lao động Thủ đô nêu

13:48 | 27/10/2017
 Báo Lao động Thủ đô vừa nhận được Công văn số 4744/SGTVT-VP của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội (GTVT) và Công văn số 3909/SVH&TT-BQLDT của Sở Văn hóa và Thể thao (SVHTT) Hà Nội phản hồi về một số vấn đề Báo phản ánh. Cụ thể:
xem xet nghiem tuc nhung van de bao lao dong thu do neu “Hố tử thần” giăng bẫy trên đường 181
xem xet nghiem tuc nhung van de bao lao dong thu do neu Tỉnh lộ 181 bị “cày nát” bởi xe tải nặng

1. Về bài viết “Hố tử thần giăng bẫy trên đường 181”, đăng ngày 10/10/2017, Sở GTVT cho biết:

Tuyến đường 181 đoạn qua khu phố chùa Keo nằm trong dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường 181 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Hiện nay, đoạn qua phố Keo đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa thi công được. Do không có hệ thống thoát nước nên khi trời nắng mưa, mặt đường lầy lội, phát sinh nhiều ổ trâu, mất an toàn giao thông đúng như báo phản ánh.

xem xet nghiem tuc nhung van de bao lao dong thu do neu

Sở GTVT khẳng định: Sở vẫn thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý đường cho san gạt, đảm bảo giao thông. Mới đây nhất, ngày 16/10/2017 UBND huyện Gia Lâm đã chủ trì cuộc họp liên ngành nhằm đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thi công đoạn đường 181 nêu trên trong thời gian sớm nhất.

2. Về bài viết “Hầm chui Đại lộ Thăng Long “điểm nóng” xuống cấp và ùn tắc”, đăng ngày 6/10/2017, Sở GTVT Hà Nội cho biết:

Hiện nay, một số cầu chui dân sinh như cầu chui số 3,5,6,9, cầu chui km9+656 thường xuyên bị ngập nước trong mùa mưa bão. Để khắc phục, đơn vị thoát nước của Sở Xây dựng đã nạo vét, khơi thông cống rãnh và bơm hút trước khi mưa bão gây ngập úng tại các cầu chui trên. Tuy nhiên, tại vị trí cầu chui số 5 và cầu chui km9+656 vẫn còn bị ngập úng trong thời gian 1 -2 ngày sau mưa bão, gây hư hỏng nền, mặt đường, dẫn đến ùn tắc giao thông cho người và phương tiện qua lại.

xem xet nghiem tuc nhung van de bao lao dong thu do neu

Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tăng cường công tác duy tu, duy trì và sửa chữa khắc phục nhanh những hư hỏng do mưa ngập gây ra. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo, tránh hư hỏng kết cấu nền, mặt đường thì công tác đảm bảo thoát nước phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, Sở GTVT kiến nghị Sở Xây dựng tăng cường đảm bảo công tác thoát nước tại các vị trí hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long, để đảm bảo tránh hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông tại các vị trí này.

3. Về bài viết: “Rác thải quây hầm đường bộ H15 trên đường Nguyễn Xiển”, đăng tải ngày 10/10/2017, Sở có ý kiến như sau:

Hầm đường bộ H15 do Sở GTVT quản lý được trực gác 2 ca/ngày đảm bảo an ninh và vệ sinh sạch sẽ, phục vụ cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên, hiện tượng rác thải tập kết gây mất vệ sinh quanh hầm theo Sở GTVT, do thuộc phân cấp quản lý thì vỉa hè và vệ sinh môi trường do UBND quận Thanh Xuân quản lý.

Sở GTVT sẽ có ý kiến với UBND quận Thanh Xuân nghiên cứu để giải quyết tình trạng trên. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ tăng cường công tác duy tu, xử lý nghiêm về trật tự ATGT, tăng cường công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo giao thông, phục vụ người dân đi lại an toàn.

* Liên quan đến bài viết “Di tích Quốc gia đình Tiền Lệ kêu cứu” đăng ngày 13/9/2017, phản ánh về tình trạng xuống cấp của di tích đình Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Sở VHTT cho biết:

Về cấp xếp hạng và cơ quan quản lý di tích, đình Tiền Lệ đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1712/QĐ-BVHTTDL ngày 2/6/2011, huyện UBND huyện Hoài Đức quản lý theo phân cấp của UBND Thành phố.

Di tích này bao gồm các hạng mục: Đình chính (đại bái và hậu cung), sân, vườn. Hiện nay, đình chính đã xuống cấp nặng ở hầu hết các bộ phận; phần mái bị xô lệch, lún võng, mục mọt; bờ nóc, bờ chày, đầu đao, con giống, họa tiết trang trí đã sứt và nứt vỡ; phần khung đã bị mục, mọt; phần nền bị lún, bong bật nhiều chỗ, mối xông; phần tường bị ẩm mục... Hiện nay một số chỗ đã được chống tạm bằng tre, gỗ, không đảm bảo, có nguy cơ đổ sập.

Liên quan đến công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích, năm 2016, UBND huyện Hoài Đức đã có tờ trình gửi Sở VHTT. Trên cơ sở đề xuất này, Sở VHTT, đã phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND huyện Hoài Đức thực hiện, báo cáo UBND Thành phố và Bộ VHTT và Du lịch. Sở VHTT cũng đã có văn bản gửi Bộ VHTT và Du lịch về việc xin thỏa thuận dự án. Thực hiện ý kiến của Bộ VHTT và Du lịch, Sở đã có Văn bản số 120/VH&TT-BQLDT ngày 13/1/2017 gửi UBND huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ và văn bản liên quan đến dự án.

Bởi vậy, Sở VHTT đề nghị UBND huyện Hoài Đức sớm kiểm tra và có phương án chống đỡ, gia cố, tăng cường sự bền vững và ổn định cho di tích trong khi hoàn thiện dự án. Ngoài ra, UBND huyện Hoài Đức cũng cần tổ chức di chuyển hiện vật tới vị trí an toàn để bảo vệ, bảo quản, tránh tình trạng thất lạc, hư hỏng và làm biển thông báo khu vực nguy hiểm ở vị trí phù hợp. Đối với việc thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích, sau khi dự án được phê duyệt thì thực hiện công khai nội dung được phê duyệt trước toàn dân và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tu bổ tôn tạo đình Tiền Lệ gửi về Sở VHTT để trình Cục Di sản Văn hóa thỏa thuận theo chuyên ngành quản lý. Rà soát, cân đối nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến UBND Thành phố những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền. Với xã Tiền Yên, cần thực hiện nhiệm vụ do UBND huyện phân công; tổ chức bảo vệ di tích, di vật, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường khu vực di tích; chủ động lập kế hoạch huy động kinh phí và tổ chức tuyên truyền; vận động nhân dân và các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này