Nét đẹp cưới xin đang được nhân lên

13:39 | 26/10/2017
Sau khi có Chỉ thị số 11 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”, đến nay nhiều quận, huyện, xã trên địa bàn Thành phố đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
net dep cuoi xin dang duoc nhan len Quyết tâm thay đổi “lệ làng”…
net dep cuoi xin dang duoc nhan len Kỳ cuối: Phải văn minh hóa cưới xin!
net dep cuoi xin dang duoc nhan len Kỳ 3: Sao lại xé rào?
net dep cuoi xin dang duoc nhan len Kỳ 2: Nỗi lòng…
net dep cuoi xin dang duoc nhan len Đám cưới xưa, đám cưới nay

Vui mà bớt được rườm rà

Năm 2016, lần đâu tiên Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hoà đã tổ chức đám cưới tập thể theo nếp sống văn minh với chủ đề “Người Ứng Hoà – Xây dựng nét đẹp văn hoá cưới” cho 9 cặp đôi cô dâu, chủ rể đều là những người con sinh ra, lớn lên và đang công tác tại địa bàn huyện. Lễ cưới diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi với sự có mặt đông đủ của quan viên hai họ.

Là một trong những cặp đôi tham gia đám cưới tập thể đó, vợ chồng chị Đỗ Thị Vân Anh – Nguyễn Tú Linh, công nhân Công ty cổ phần Phước Ứng đã không giấu được niềm hạnh phúc, cho biết, vợ chồng chị may mắn được tham gia đám cưới tập thể - một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa.

“Sau một năm, cuộc sống vợ chồng tuy còn khó khăn nhưng rất hạnh phúc. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên được và tôi hy vọng, đám cưới tập thể sau này sẽ thu hút được nhiều hơn các cặp đôi tham gia”.

net dep cuoi xin dang duoc nhan len
Đám cưới tập thể do LĐLĐ huyện Ứng Hòa tổ chức năm 2016. Ảnh: Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ứng Hòa.

Cặp đôi Quỳnh Giang và Mạnh Nam (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì) dù yêu nhau đã lâu, song trước đây họ vẫn chưa dám tính đến chuyện trăm năm vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Anh Nam cho biết: “Chúng tôi đều là công nhân Khu công nghiệp Ngọc Hồi (Hoàng Mai), lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt và hỗ trợ một chút cho gia đình nên hạnh phúc riêng đành gác lại. Nhờ tư vấn của Huyện đoàn Thanh Trì, sự ủng hộ của gia đình hai bên, đầu năm 2017, chúng tôi đã về một nhà bằng đám cưới giản dị, trang trọng và ấm cúng. Đặc biệt, cuộc sống sau hôn nhân nhẹ nhõm và hạnh phúc, vì không canh cánh nỗi lo trả nợ...”.

Bí thư Đoàn huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Sung cho biết: “Địa phương đã thực hiện nhiều mô hình cưới văn minh được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Ví như, nhân dân làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai có sáng kiến mời dự lễ cưới qua hệ thống loa truyền thanh. Còn tại xã Yên Mỹ nêu gương không nhận tiền mừng của các cụ cao tuổi tại đám cưới…”

Không khó khăn như hai cặp đôi trên, để hưởng ứng phong trào “Cưới văn minh - ứng xử văn hóa”, một số cán bộ, đảng viên cơ sở đã tự nguyện, gương mẫu tổ chức cho người thân trong gia đình mình bằng hình thức mời tiệc ngọt, báo hỷ sau ngày cưới… tạo phong trào và được mọi người đồng tình ủng hộ. Điển hình như cựu chiến binh Bùi Văn Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Trung Liệt (Đống Đa) cưới con theo nếp sống mới bằng hình thức tiệc trà. Hay tại thị xã Sơn Tây, đám cưới của anh Đinh Duy Hưng, nguyên Bí thư Đoàn thị xã đã tổ chức tiệc ngọt và báo hỷ. Những câu chuyện trên là ví dụ cho khởi đầu hạnh phúc của các cặp đôi đã và đang thực hiện cưới theo nếp sống văn minh ở nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát huy vai trò văn hóa cơ sở

Để khuyến khích người dân tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, tại các xã: Đại Thắng, Hồng Thái, Vân Từ, Phú Túc (huyện Phú Xuyên), phòng văn hóa xã sẽ cho mượn toàn bộ phần trang trí, âm thanh. Nếu gia đình nào thực hiện tốt (các tiêu chí về quy mô, thời gian tổ chức), xã sẽ tặng 500 nghìn đồng, ngược lại, gia đình nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt tiền. Tương tự, một số xã thuộc Ba Vì đã yêu cầu gia đình phải ký cam kết tổ chức đám cưới gọn nhẹ, không phô trương và kéo dài bằng cách thu tiền đặt cọc của các đôi nam nữ đi đăng kí kết hôn từ 500.000 - 2.000.000 đồng, nếu gia đình nào vi phạm thì số tiền trên sẽ bị sung quỹ của địa phương.

Ngoài phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn Thành phố cũng đã được vận động hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 11. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Hai Bà Trưng Phạm Thị Hiền cho biết: “Những năm gần đây, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận có sự sáng tạo khi phối hợp với Ban trị sự Phật giáo quận tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới bằng cách tổ chức lễ cưới Hằng thuận tại nhà chùa. Đặc biệt, nội dung của Chỉ thị đã được nhiều nhà chùa cụ thể hóa và lồng ghép vào nội dung thuyết giảng của mình để vận động các phật tử cùng thực hiện về cưới văn minh, trang trọng, tiết kiệm”.

Những ví dụ cụ thể ở trên cho thấy, một chủ trương đúng đắn cộng với cách làm linh hoạt, trong đó phát huy vai trò văn hóa cơ sở này sẽ mang lại hiệu quả rất cao nếu các ngành, địa phương có cách thức triển khai hợp lý, hợp lòng dân. Thời gian tới, để Chỉ thị 11 thực sự đi vào đời sống, bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình – Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, cần tiến tới nghiên cứu, đưa ra những chuẩn mực mô hình đám cưới theo nếp sống văn minh phù hợp với đại đa số toàn dân, bao gồm cả những vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội. Để nếp sống văn minh được lan tỏa nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này