Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV:

Không thể quy hoạch “mạnh ai nấy làm”!

10:33 | 26/10/2017
Làm gì để hết cảnh quy hoạch “treo” đang phổ biến hay tình trạng chồng chéo trong quy hoạch ngành theo kiểu “mạnh ai nấy làm”... là những băn khoăn được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra thảo luận, góp ý về Dự án Luật Quy hoạch tại phiên họp sáng ngày 25/10 trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ thứ Tư, Quốc hội khóa XIV.
khong the quy hoach manh ai nay lam Sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 thành viên Chính phủ
khong the quy hoach manh ai nay lam Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh các dự án thoát nước

Vẫn băn khoăn quy hoạch chồng quy hoạch

Dự thảo Luật Quy hoạch đã được thảo luận và cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 3 trước đó nhưng còn nhiều ĐBQH băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật này vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan (40 luật có liên quan – PV) nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

khong the quy hoach manh ai nay lam
Quang cảnh phiên thảo luận dự án Luật quy hoạch ngày 25.10.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Ba.

Tại Kỳ họp thứ Tư này, Dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội (gồm 6 chương, 72 điều và 2 phụ lục) quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Trước đó, QH đã thảo luận Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo này đó là: Chỉ có hai chủ thể có thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng gồm: Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng đã được phân cấp quản lý, sau khi được HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển loại rừng và có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể hơn, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng sản xuất tới 1.000 ha; HĐND cấp tỉnh, thành chỉ có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 50 ha sau khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời, để đảm bảo độ che phủ của rừng, Luật quy định Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng, phải trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác bằng 3 lần diện tích bị chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng tự nhiên.

Cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch trình bày trước Quốc hội lần này, một số ĐBQH nhấn mạnh, những vướng mắc, lấn cấn trong việc sửa đổi Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 3 đã được khắc phục.

Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị làm rõ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch hay không? Hay quy hoạch của các TP trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, hay Luật Quy hoạch đô thị? Bởi việc lập quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng)…

Đặc biệt, để làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UB Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” vào phạm vi điều chỉnh. Theo đó Luật Quy hoạch là luật chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 của dự thảo Luật; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Tuy nhiên, còn băn khoăn về quy trình lập quy hoạch, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, theo Điều 16 dự thảo Luật quy định, quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất; sau đó mới lập quy hoạch ngành quốc gia, vùng quốc gia và quy hoạch tỉnh. Như vậy là chúng ta bảo đảm trình tự quy hoạch cao hơn lập trước, quy hoạch thấp lập sau.

“Tuy nhiên, thời gian hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sẽ rất mất thời gian và không thể dưới 5 năm.Đây là thực tế đã và đang diễn ra. Ngay ở Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch. Vậy, nếu lập quy hoạch cấp dưới chậm như vậy, sau 5 năm quy hoạch cấp trên sẽ đến kỳ điều chỉnh, quy hoạch cấp dưới sẽ dựa vào đâu?”- ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh sự băn khoăn.

Còn băn khoăn với quy hoạch ngành, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đang tồn tại tình trạng mạnh ngành nào ngành ấy quy hoạch. Do khâu quy hoạch không thống nhất, thiếu tổng thể dẫn đến thực trạng làm đường xong lại đào lên hạ đường nước, đường điện. Do đó, ĐB Hạ đề nghị quy hoạch phải từ cơ sở, từ cấp dưới đưa lên để cấp trên phê duyệt, nếu để cấp trên làm quy hoạch dễ dẫn đến chồng quy hoạch.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cơ sở pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch (theo Điều 32) cần làm rõ hơn. Theo dự thảo Luật, Hội đồng thẩm định được giao thẩm quyền rất lớn.

Vậy đây là cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý, hay cấp trên của chính quyền địa phương? “Cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII vừa qua là “một việc chỉ giao một cơ quan thực hiện”, đồng thời thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương” là khuyến nghị của ĐB Sinh.

Nỗi sợ mang tên quy hoạch “treo”

Theo ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên), người dân sợ nhất quy hoạch “treo”: “Như dự án trọng điểm đường sắt quốc gia đã kế thừa từ thời Pháp hơn 70 năm nay, nhưng đến nay vẫn nợ người dân hành lang an toàn hai bên đường trên phạm vi cả nước. Do chưa giải tỏa, đền bù nên người dân vẫn phải sống trong hành lang thiếu an toàn”.

Từ dẫn chứng trên, ĐB Nhã đề nghị, đối với nhóm quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh nên thiết kế các hệ thống tiêu chí như điều kiện kiểm tra giám sát, nguồn lực thực hiện... và phải lựa chọn thực hiện khâu nào trước. Còn ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng Luật Quy hoạch mang tính quy hoạch chi tiết nhưng lại thiếu yếu tố đảm bảo hoạt động ổn định.

Vì vậy, phải đề ra yêu cầu rõ ràng để đảm bảo quy hoạch phát triển, hài hòa lợi ích trên cơ sở lợi ích quốc gia là tối thượng.Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cần công khai quy hoạch từ khi xây dựng lấy ý kiến nhân dân cho đến khi làm xong.“Càng công khai minh bạch thì nhân dân càng ủng hộ”, ông Trí nhấn mạnh.

Còn cho rằng Nhà nước không nên tham gia làm quy hoạch ngành, ĐB Hạ nêu dẫn chứng ở ngành nông nghiệp: "Vì sao có quy hoạch rồi nhưng người dân vẫn phải chặt cây điều, cây tiêu?Gần đây là quy hoạch đàn lợn, mặc dù chưa đạt mức tối đa của quy hoạch nhưng chúng ta vẫn phải giải cứu? Nhà nước lập quy hoạch thế này vậy thiệt hại của dân, ai chịu trách nhiệm, người dân có được đền bù thiệt hại hay không?”.

Một số ĐBQH đề xuất, cần điều chỉnh lại quy trình lập quy hoạch. Theo đó, tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp theo quy trình “2 xuống - 1 lên”, nghĩa là dự thảo quy hoạch quốc gia, sau đó dự thảo quy hoạch ngành, dự thảo quy hoạch vùng, tỉnh; sau đó, đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng, ngành, rồi đến điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Từ đó, phê duyệt quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh. Nếu tiến hành đồng thời như vậy, trong khoảng 2 - 3 năm sẽ có thể hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này